Người Hồi giáo đốt các toà đại sứ

Người Hồi giáo đốt các toà đại sứ
Dân Syria phóng hoả vào các toà đại sứ Na Uy và Đan Mạch tại Damascus để phản đối báo chí đăng tranh biếm hoạ Đấng tiên tri Mohamed.
Người Hồi giáo đốt các toà đại sứ ảnh 1
Các hình vẽ biếm hoạ khiến người Hồi giáo vô cùng tức giận

Những người biểu tình đã trút giận vào trụ sở đại sứ quán Đan Mạch, hô vang khẩu hiệu "Thượng đế vĩ đại", sau đó kéo sang tấn công cơ quan ngoại giao của Na Uy.

Cảnh sát đã bắn hơi cay nhằm giải tán đám đông ở trụ sở Na Uy, nhưng những người biểu tình đã vào được bên trong và phóng hoả.

Đan Mạch và Na Uy lên án Syria đã không thực hiện nghĩa vụ quốc tế. 2 nước này nói việc giới chức Syria không có hành động gì đã khiến cho các vụ tấn công xảy ra, và gọi đây là các hành động không thể chấp nhận được.

Đan Mạch và Na Uy là 2 quốc gia đầu tiên đã cho đăng tải các hình vẽ này hồi năm ngoái.

Chính phủ 2 nước đã yêu cầu công dân nước mình rời khỏi Syria.

Những người biểu tình đã định tiến tới cả tòa đại sứ Pháp, nhưng bị cảnh sát dùng khí cay và vòi rồng chặn lại.

Khi xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ báo của Đan Mạch, các hình vẽ biếm hoạ đã làm dấy lên cơn giận dữ của người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Một trong những hình vẽ mô tả Đấng tiên tri Mohamed của người Hồi giáo như một kẻ khủng bố. Theo truyền thống của đạo Hồi thì những hình ảnh về đấng tiên tri đều bị cấm vẽ.

Tuy nhiên, một số tờ báo Âu châu đã cho đăng lại các hình biếm hoạ và nói rằng đó là quyền tự do ngôn luận.

Các diễn biến khác

Người Palestine biểu tình tại Gaza và khu Tây Ngạn; tại London, sứ quán Đan Mạch bị người biểu tình bao vây;

Chủ bút Jordany, người bị sa thải sau khi cho đăng lại các tranh biếm hoạ, đã bị bắt;

Iran nói sẽ cân nhắc tới việc từ bỏ các quan hệ thương mại mậu dịch với các nước có đăng tải các tranh vẽ;

Vatican nói quyền tự do ngôn luận không có nghĩa là quyền xúc phạm niềm tin tôn giáo

"Chúng con bảo vệ Người"

Người dân Syria đã tổ chức biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở Đại sứ quán Đan Mạch kể từ khi cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng vào hồi đầu tuần, khi Damascus triệu hồi đại sứ của mình về nước.

TRANH CÃI BIẾM HOẠ

30/9: Báo Đan Mạch đăng tải các hình vẽ

20/10: Các đại sứ Hồi giáo phản đối lên Thủ tướng Đan Mạch

10/1: Báo Na Uy đăng lại các hình vẽ

26/1: Ả rập Saudi triệu hồi đại sứ

30/1: Các tay súng bao vây văn phòng của EU tại Gaza, đòi xin lỗi

31/1: Tờ báo của Đan Mạch xin lỗi

1/2: Các báo tại Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đăng lại các hình vẽ

Hôm thứ Bảy, người ta đã ném gạch đá vào khu vực Đại sứ quán Đan Mạch, sau đó kéo sang Đại sứ quán Na Uy.

"Chúng con sẽ bảo vệ Người bằng máu và linh hồn của mình, hỡi Đấng Tiên tri của Thượng Đế" những người biểu tình hô vang bên ngoài toà nhà Đan Mạch, cũng là nơi đặt trụ sở của các phái đoàn Thuỵ Điển và Chilê.

Một số người đã gỡ bỏ cờ Đan Mạch và thay vào đó bằng một lá cờ có viết dòng chữ "Không có thánh thần nào ngoài Thượng Đế và Đức Mohammed là sứ giả của Người."

Đại sứ quán đã phải đóng cửa, nhưng không rõ là vào lúc diễn ra cuộc biểu tình, bên trong có người hay không.

Những làn khói đen dày đặc bay lên từ toà nhà, trong lúc lính cứu hoả phải vất vả dập tắt ngọn lửa. Các xe cứu thương đã tới hiện trường và hàng chục cảnh sát đứng canh gác khu vực.

Đan Mạch "căng thẳng"

Tại Copenhagen, Chính phủ đã kêu gọi công dân Đan Mạch hãy rời khỏi Syria ngay lập tức.

Hôm thứ Sáu, thủ tướng Đan Mạch đã có bước đi mới nhằm làm dịu tình hình khi ông giải thích quan điểm của mình với các Đại sứ Hồi giáo về việc đăng tải các bức hình.

Ông Ander Fogh Rasmussen nói ông không bao giờ xin lỗi về hành động của một tờ báo, nhưng nói ông "căng thẳng" về chuyện này.

Các tấm hình được đăng đầu tiên trên tờ báo Jyllands-Posten của Đan Mạch, sau đó đã được đăng lại trên các tờ báo khác tại Pháp, Đức, Italy, Hungary, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Các tờ báo này nói họ có quyền tự do ngôn luận.

Jylland-Posten đã xin lỗi về việc gây giận dữ cho người Hồi giáo, nhưng nói việc đăng tải như vậy là hoàn toàn hợp pháp theo luật Đan Mạch.

Theo BBC

MỚI - NÓNG