Người lính Mỹ hơn 30 năm lưu giữ lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam

Người lính Mỹ hơn 30 năm lưu giữ lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam
TP- Sau hơn 30 năm lưu giữ lá cờ bỗng Thomas nảy ra ý định mang lá cờ đến trao lại cho Việt Nam. Và Thomas đã thực hiện ý định đó nhân chuyến công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội.
Người lính Mỹ hơn 30 năm lưu giữ lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam ảnh 1
Cựu chiến binh Mỹ Thomas Smith đang trao lá cờ Đảng Cộng sản cho Trung tá Hà Minh Phương - Viện Bảo tàng Quân đội Việt Nam

Thomas Smith sang chiến trường Việt Nam lần thứ nhất năm 1965, lần thứ hai năm 1967 với chức vụ Đại đội trưởng đại đội A, tiểu đoàn 4 thuộc sư đoàn American, hoạt động tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Đầu tháng 1/1969, vào một đêm gần sáng, đại đội của Thomas bị Quân Giải phóng tập kích bất ngờ ở phía Tây huyện Mộ Đức giáp Bắc huyện Đức Phổ – nơi có bệnh xá của Đặng Thùy Trâm.

Thomas bắn trúng một chiến sỹ Quân Giải phóng ngay gần công sự dã chiến của anh ta. Trời hửng sáng, Quân Giải phóng rút lui không kịp mang theo người chiến sỹ kia. Thomas lục soát thi thể anh để tìm tài liệu.

Về sau, theo Thomas thuật lại thì người chiến sĩ này còn rất trẻ, có vầng trán cao, hy sinh trong tư thế tay phải vẫn nắm chặt khẩu AK, bàn tay trái xòe ra đặt lên lồng ngực như để giữ một vật gì đó bên trong.

Thomas lục soát rất kỹ, nhưng không tìm thấy tài liệu gì, chỉ lấy được một lá cờ đỏ búa liềm được xếp gấp cất giữ cẩn thận trong ngực áo. Lá cờ được khâu bằng tay, có kích thước 50x80 cm. Thomas thu giữ lá cờ làm chiến lợi phẩm.

Sau trận đánh này khoảng hai tuần lễ, Thomas bị thương sau đó được đưa về Mỹ chữa trị.

Sau khi ra viện, Thomas đã mang theo lá cờ đó về nhà với niềm tự hào về một vật kỷ niệm chiến tranh, coi đó là chiến tích đặc biệt, bởi không phải quân nhân Mỹ nào ở chiến trường Việt Nam về cũng có được chiến lợi phẩm là lá cờ Cộng sản.

Trong nhiều năm Thomas đã treo lá cờ này trong nhà mình, có lúc treo cả ở nơi làm việc với niềm kiêu hãnh mỗi khi khoe với bạn bè.

Nhưng sau hơn 30 năm lưu giữ lá cờ như một vật sở hữu cá nhân, bỗng Thomas nảy ra ý định sẽ mang lá cờ đến trao lại cho Việt Nam. Và Thomas đã thực hiện ý định đó nhân chuyến sang công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội.

Một ngày đầu tháng 8/2001, người nữ phiên dịch của Phòng Tùy viên sứ quán Mỹ báo cho Viện Bảo tàng Quân đội (BTQĐ) nay là Viện Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam biết có một cựu chiến binh (CCB) Mỹ tên là Thomas Smith, công tác ở Văn phòng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa sang Việt Nam, muốn được gặp đại diện của BTQĐ để trao lại một kỷ vật mà ông đang lưu giữ đó là lá cờ của Đảng Cộng sản.

Nhận được thông tin này, sau khi xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục Chính trị, Đại tá Lê Mã Lương Viện trưởng BTQĐ đã đồng ý đề nghị của ông Thomas và ủy nhiệm cho Trung tá Hà Minh Phương– Phó trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm của Viện gặp để tiếp nhận lá cờ này.

Đúng hẹn, sáng ngày 9/8/2001, CCB Thomas đã đến BTQĐ, cùng đi có cô Thu phiên dịch và một người CCB Mỹ là bạn của Thomas. Trung tá Phương đã ra đón khách, cùng tiếp khách với Trung tá Phương có Trung tá Trần Minh Hân, Thượng tá chuyên nghiệp Phạm Thị Huynh – thuyết minh và cô Lê Hoàng Mai – chủ đề tài của Phòng trưng bày chuyên đề “Nghĩa tình đồng đội”. Lễ trao cờ được thực hiện tại Phòng trưng bày này.

Sau khi chủ và khách tự giới thiệu, CCB Thomas vừa trịnh trọng mở lá cờ ra, vừa trình bày mục đích ông quyết định trao lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam lại cho Viện BTQĐ mà ông đang lưu giữ 32 năm qua và kể tường tận lại sự việc.

Khi biết được câu chuyện này, tôi đã trực tiếp gặp Trung tá Hà Minh Phương để tìm hiểu sự việc từ đầu, được Trung tá Phương thân tình trao đổi và cung cấp những tư liệu mà BTQĐ đã thu thập được từ CCB Thomas khi ông trao lại lá cờ Đảng ngày 9/8/2001.

Phần trên đã kể lại ở đầu bài viết này là theo lời tự thuật của CCB Thomas. Điều quan trọng tôi muốn tìm hiểu thêm trong sự việc này là nhân thân của CCB Thomas và vì sao ông lại quyết định trao lại lá cờ này cho chúng ta.

Ông Thomas Smith năm ấy khoảng hơn 50 tuổi, là thành viên của Văn phòng Trợ giúp nhân đạo và tháo gỡ bom mìn ở Việt Nam thuộc cơ quan hợp tác quốc phòng – an ninh, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông đã có vợ và hai con gái.

Về lý do quyết định trao lại lá cờ Đảng cho BTQĐ,  ông Thomas tự sự: “Một thời gian tôi tự hào về chiến tích của mình đã thu được chiến lợi phẩm ngay tại mặt trận là một lá cờ Cộng sản.

Nhưng dần dần những tin tức về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đưa về Mỹ với bản thống kê binh sỹ bị chết trong cuộc chiến tranh vô nghĩa này, làm tôi có nhiều suy nghĩ.

Từ đó tôi nhận ra rằng đối với tôi cũng không còn ý nghĩa của sự tự hào nữa, và tôi thấy ân hận đã tham gia vào cuộc chiến tranh này để chống lại nhân dân Việt Nam.

Thế rồi từ đó, mỗi khi nhìn thấy lá cờ treo trong phòng tôi, thay vì niềm kiêu hãnh của người chiến thắng là nỗi buồn sâu lắng cứ xâm chiếm tâm trí tôi.

Rồi từ khi tôi được hưởng hạnh phúc ngọt ngào ấm cúng bên người vợ trẻ và hai đứa con gái bé bỏng, xinh đẹp của tôi, tôi lại nghĩ nhiều đến người lính trẻ Việt Nam mà tôi đã coi là kẻ thù và đã bắn chết anh ta trong một trận đánh.

Tôi thấy đau lòng và coi anh như một người bạn thân thiết, tôi cảm thấy có lỗi với anh ấy. Đã bao năm rồi anh ấy không còn nữa, nhưng lá cờ thiêng liêng mà Đảng Cộng sản đã giao cho anh ấy mang theo ra trận, thì nay vẫn hiện diện trong nhà tôi.

Tôi hình dung trong lá cờ có anh ấy và anh ấy là bạn tôi. Thế là tôi - anh ấy - cùng lá cờ hòa quyện trong tình cảm của tôi, hàng ngày chúng tôi thường trò chuyện với nhau.

Rồi từ nước Mỹ xa xôi, tôi đã định một khi có cơ hội trở lại Việt Nam, tôi sẽ đưa người bạn thân thiết của mình trở lại quê hương anh ấy. Tôi nghĩ là lúc này anh đã hóa thân trong lá cờ Đảng này và anh thuộc về đồng bào của mình.

Anh không còn nữa, nhưng tôi coi lá cờ Đảng này là hiện thân của người chiến sĩ ấy. Tôi đã khóc vì không còn dịp để trò chuyện với anh và nhận ở anh những lời khuyên lúc gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tôi đã nghiệm ra rằng từ khi tôi coi anh ấy là người bạn thân thiết, tôi trở thành người tốt hơn với mọi người là nhờ anh ấy. Tôi tự hào vì tình bạn của anh trong tôi và ôm anh ấy với niềm kính trọng ngưỡng mộ sâu sắc…”.

Kết thúc lời tự thuật chân thành của mình, ông Thomas bùi ngùi xúc động nói: “Sau khi lá cờ Đảng được trao lại cho BTQĐ, anh đã về nhà. Còn tôi thì vừa vui lại vừa buồn, nhưng tôi tin rằng đồng bào anh luôn tôn vinh trước sự hy sinh của anh và sẽ bảo vệ anh ở nơi thiêng liêng nhất vì sự trung thành với Tổ quốc và sự hiến dâng cho nhân dân Việt Nam”.

Trong cuộc trao đổi, Trung tá Hà Minh Phương còn cho biết khi nghe những lời tự thuật trên đây của CCB Thomas, lúc ấy đã có chị em bật khóc, có người phải bước vội ra ngoài hiên để lau nước mắt vì xúc động.

Qua báo Tiền Phong, Trung tá Phương cũng hy vọng đồng đội của người chiến sỹ mang theo lá cờ Đảng ra trận và đã hy sinh ở phía Tây Quảng Ngãi trong thời gian đó, nếu ai biết sự việc này, xin cung cấp cho Viện BTQĐ tên đơn vị, quê quán và tên người chiến sĩ ấy để bổ sung tư liệu lịch sử cho Bảo tàng. 

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.