Người Mỹ tranh luận về chủ nghĩa xã hội

Người Mỹ tranh luận về chủ nghĩa xã hội
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa mới đây đã châm ngòi một cuộc tranh luận mới về yếu tố “chủ nghĩa xã hội” trong những chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Không phải đến bây giờ, các nhóm bảo thủ và một số nhân vật thuộc đảng Cộng hòa ở Mỹ mới lên tiếng chỉ trích Tổng thống Barack Obama đang theo đuổi những chính sách theo đường lối xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 bước vào giai đoạn nước rút, phe của ứng viên đảng Cộng hòa John McCain đã liên tục gọi ứng viên đảng Dân chủ là “người phân phối lại” (the redistributor), “người thuộc cánh tả” (the leftist) khi đề cập đến chủ trương tranh cử của ông Obama.

Những chỉ trích này chỉ tạm lắng xuống sau khi ông Obama đắc cử và bước vào quá trình chuyển giao quyền lực.

Gần đây, khi ông Obama đề xuất và thực thi một loạt biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế Mỹ đang chìm sâu trong khủng hoảng thì vấn đề này bắt đầu xuất hiện trở lại.

Các chỉ trích, hầu hết đến từ những thống đốc và nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, chủ yếu nhằm vào những chính sách trọng tâm của ông Obama như: sử dụng 7 tỉ USD từ gói kích thích kinh tế để tăng tiền trợ cấp và mở rộng diện đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp; mua nợ xấu, cầm giữ cổ phiếu, tăng cường sự can thiệp, giám sát của chính phủ đối với hoạt động của các định chế tài chính; trình dự luật ngân sách mới theo hướng giảm thuế cho 95% người nghèo, tăng mạnh thuế đối với người giàu; đề xuất phương án cải cách hệ thống y tế và giáo dục theo hướng tăng ngân sách cho các trường công lập, thành lập quỹ bảo hiểm y tế chính phủ để hỗ trợ những người không đủ khả năng mua bảo hiểm y tế tư nhân…

Lúc đầu, các chỉ trích chỉ dừng ở mức “hiện tượng”, nghĩa là tập trung phê phán những khuyết điểm của gói kích thích kinh tế 787 tỉ USD của chính phủ như: thiếu tính khả thi, quá tốn kém, không phù hợp với thực tiễn…

Nhưng khi ông Obama công bố dự luật ngân sách mới và đề xuất phương án cải cách hệ thống y tế, giáo dục thì họ tấn công thẳng vào “bản chất”, bằng việc nói ông Obama là người theo chủ nghĩa xã hội và những thay đổi mà ông thực hiện có chiều hướng xã hội chủ nghĩa.

Mở màn cho vụ tranh cãi này là hai nhân vật Cộng hòa: lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện John Boehner và cựu Thống đốc bang Arkansas, ông Mike Huckabee.

Tại hội nghị thường niên của Ủy ban Hành động chính trị phe bảo thủ diễn ra hôm 27/2 ở Washington D.C, ông Boehner cho rằng gói kích thích kinh tế và dự luật ngân sách mới của chính phủ là “số tiền mặt khổng lồ trả cho một chủ nghĩa xã hội mới ở Mỹ”, còn ông Huckabee thì gọi những biện pháp quản lý thị trường tài chính của ông Obama là “sự thiết lập nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa tại Mỹ”.

Tuy nhiên, phải đến hôm 5/3, khi hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Minnesota, bà Michele Bachmann, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng chính quyền Obama đang xã hội hóa hoàn toàn nền kinh tế và biến Mỹ thành một nước xã hội chủ nghĩa, thì các cuộc tranh luận gay gắt mới dấy lên trên toàn nước Mỹ.

Dân Mỹ và ông Obama phản ứng

Phát biểu của bà Bachmann và các nghị sĩ Cộng hòa đã nhanh chóng vấp phải phản ứng gay gắt từ phía dân Mỹ. Chưa đầy một ngày, phần bình luận của bạn đọc trên báo điện tử của hãng tin CNN đã nhận được 201 ý kiến, phần lớn phản đối quan điểm của bà Bachmann và bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Obama. Ý kiến bạn đọc trên nhiều website, diễn đàn, báo điện tử khác ở Mỹ cũng tương tự như vậy.

Nhiều người viết trên website của CNN rằng điều mà họ quan tâm nhất lúc này không phải là việc ông Obama đang sử dụng biện pháp của chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội mà là biện pháp đó có cứu được nền kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng hay không.

Một số người còn phân tích rằng lý lẽ mà nhóm nghị sĩ trên đưa ra rất mâu thuẫn, vì cùng một biện pháp lấy tiền thuế của dân để vực dậy nền kinh tế, nhưng khi chính quyền của ông George W.Bush dùng nó để cứu trợ người giàu - các định chế tài chính - thì họ gọi là “chủ nghĩa tư bản”, còn khi chính quyền Obama hỗ trợ người nghèo - giảm thuế, tăng trợ cấp để người nghèo có khả năng tiếp tục trả nợ người giàu, tức là vẫn gián tiếp giúp người giàu - thì họ gọi là “chủ nghĩa xã hội”.

Cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi đến mức báo chí Mỹ cũng nhập cuộc. Nhiều nhà báo kỳ cựu đã viết bài bình luận về vấn đề này. Quan điểm của họ nhìn chung trái ngược nhau.

Một số người, như hai cây bút Jon Meacham và Evan Thomas, nêu quan điểm “hiện tất cả chúng ta đều là người theo chủ nghĩa xã hội” trong bài viết cùng tên trên tờ Newsweek, nhưng nhấn mạnh các yếu tố “chủ nghĩa xã hội” như chính phủ đang quốc hữu hóa ngân hàng và lĩnh vực thế chấp thông qua việc mua cổ phiếu và nợ xấu mà phe Cộng hòa chỉ trích là do chính quyền Bush làm trước, ông Obama chỉ làm theo.

Trong khi người khác thì cho rằng ông Obama đang sử dụng những biện pháp tương tự như Tổng thống Franklin D.Roosevelt đã làm trong thời kỳ Đại suy thoái và đấy vẫn là đường lối tư bản.

Chưa dừng ở đó, báo chí Mỹ còn lôi ông Obama vào cuộc. Chiều 6/3, nhà báo Peter Baker của tờ New York Times đã phỏng vấn trực tiếp Tổng thống Obama ngay trên chuyên cơ Air Force One với một nội dung duy nhất “Tổng thống có phải là người theo chủ nghĩa xã hội hay không?”.

Ông Obama phủ nhận điều này và giải thích rằng những chính sách của ông, kể cả dự luật ngân sách, dù khắc nghiệt nhưng có trách nhiệm và sẽ giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ.

Điều đặc biệt là khoảng 90 phút sau cuộc phỏng vấn, đích thân ông Obama đã gọi điện thoại lại cho Baker để lưu ý thêm rằng, chính Tổng thống Bush mới là người khởi xướng việc mua cổ phiếu của các ngân hàng, chứ không phải ông.

Theo Lê Quang
Thanh Niên - Từ New York, Mỹ

MỚI - NÓNG