Người Trung Quốc chỉ trích thói hiếu chiến của giới chức nước nhà

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc chặn tàu cảnh sát biển Việt Nam gần nơi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc chặn tàu cảnh sát biển Việt Nam gần nơi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981.
"Bộ Ngoại giao (Trung Quốc) hiện giờ đầy những chú hề, những kẻ muốn lấy lòng các vị lãnh đạo. Chẳng còn chút tinh thần Nho giáo nào sót lại, thay vào đó là thói côn đồ", tài khoản tên Duan Wanjin, người tự xưng là một luật sư, viết trên Sina Weibo.

Sau khi xuất hiện tin tức về vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hôm 26/5 trên Biển Đông, các trang mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một số ý kiến trái chiều của người dân trong nước, New York Times cho hay.

Bên cạnh phần nhiều bình luận có tính cực đoan, hiếu chiến, một số ít người dùng mạng Trung Quốc tỏ ra khách quan hơn khi xem xét vấn đề. Một vài người lên án Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng, lời biện hộ của Bộ sau vụ đâm chìm tàu Việt Nam là chưa đủ độ tin cậy và cách hành xử này "không xứng tầm" với địa vị một nước lớn. 

Trên Sina Weibo, có ý kiến cho rằng, việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước cần được tiến hành một cách lịch sự, nhẹ nhàng. 

Nhận xét về lời phát biểu hôm 27/5 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vu cáo rằng, tàu Việt Nam chìm sau khi "quấy rối và đâm vào một tàu cá Trung Quốc" và Việt Nam hành động nguy hiểm, tài khoản tên Duan Wanjin, người tự xưng là một luật sư, chỉ trích Chính phủ Trung Quốc hành động không phù hợp với danh xưng "cường quốc".

"Mọi tranh chấp nên được đưa ra bàn bạc, không thể đi nói xấu nước khác như vậy", Duan viết. Theo người này, quốc gia nào chủ trương thu hẹp quan hệ ngoại giao như Trung Quốc hiện nay sẽ khó mà trỗi dậy.

"Bộ Ngoại giao hiện giờ đầy những chú hề, những kẻ muốn lấy lòng các vị lãnh đạo. Chẳng còn chút tinh thần Nho giáo nào sót lại, thay vào đó là thói côn đồ. Đường lối phát triển của quốc gia ngày nay thật đáng buồn", Duan nhận xét.

Những bình luận như trên thường bị ẩn đi sau quá trình kiểm duyệt của các công ty Internet tại Trung Quốc.

Chiều 26/5, tại ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm. 10 ngư dân trên tàu Việt Nam rơi xuống biển và sau đó đã được lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển giải cứu. Sau vụ việc, Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao đã yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo và trái pháp trên Biển Đông. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 27/5 họp báo xác nhận vụ việc, tuy nhiên biện bạch rằng tàu Việt Nam chìm sau khi "quấy rối và đâm vào một tàu cá Trung Quốc". Ông Tần cũng cáo buộc Việt Nam đang "hành động nguy hiểm trên biển" khi can thiệp vào "những hoạt động bình thường" của phía Bắc Kinh, ám chỉ hành động đưa giàn khoan 981 vào sâu thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 5. 

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân trấn an dư luận rằng "các nước không cần phải lo lắng về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông" và Bắc Kinh "vẫn đang theo đuổi việc duy trì hòa bình và ổn định" trên vùng biển này.

Đây không phải lần đầu tiên người dùng mạng Trung Quốc tự vấn về lời giải thích của chính quyền cho những hành vi ngang ngược trên Biển Đông.

Hồi đầu tháng, khi Bắc Kinh mới đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa Việt Nam, đồng thời cho tàu và máy bay quân sự cản trở cảnh sát biển Việt Nam thi hành nhiệm vụ, một số người nước này cũng tỏ ra phẫn nộ. "Rõ ràng là chúng ta ức hiếp phía Việt Nam", bạn đọc trên diễn đàn Xfjs viết.

Phó giáo sư Vi Dân, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh, từng nhận định, chính quyền Trung Quốc sẽ dần bị mất uy tín nếu tiếp tục có thái độ hiếu chiến trên Biển Đông.

"Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa", ông Vi khẳng định.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG