Người Trung Quốc gian nan về quê ăn Tết

Người Trung Quốc gian nan về quê ăn Tết
TP - Ước tính, số lượt người Trung Quốc đi xa trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 đạt mức kỷ lục 3,41 tỷ. Những câu chuyện dưới đây phần nào phản ánh được sự khổ sở của nhiều người trong dịp đi lại thường niên đông nhất thế giới.

> Đủ chiêu giúp việc vòi thưởng Tết
> Hãi hùng chuyến xe về quê ăn Tết!

Đạp xe 1.300km

Trong khi hàng triệu người xếp hàng dài ở ga xe lửa, phòng vé máy bay, bến xe đường dài, chầu chực trước màn hình máy tính… để mua vé về quê ăn Tết, Su Juwei (23 tuổi), sinh viên ngành kỹ thuật môi trường, sắp tốt nghiệp Đại học Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, thường xuyên bơi trên sông Dương Tử lạnh giá để nâng cao thể lực, chuẩn bị cho chuyến đạp xe 1.300 km về quê ở thành phố Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

“Có rất ít chuyến tàu từ Vũ Hán tới Nam Ninh. Mua được vé cực khó. Tôi định mỗi ngày đạp xe 100-150km, mất khoảng 10 ngày là về đến nhà”, Su nói.

Guo Kaimin, bạn cùng lớp của Su, cho biết Su là ngôi sao thể thao trong trường. Ở Đại học Vũ Hán, Su chạy 3km mỗi ngày, chơi bóng rổ 2-3 lần mỗi tuần và đi bộ đường dài rất thường xuyên.

Khi Su nhảy xuống sông Dương Tử bơi một mạch, một người đi đường thốt lên: “Thanh niên này khỏe ghê, dám bơi trong mùa đông lạnh giá thế này”.

Ngủ vạ vật trên tàu xe trên đường về quê. Ảnh: Sohu Travel
Ngủ vạ vật trên tàu xe trên đường về quê. Ảnh: Sohu Travel.

Mòn mỏi mua vé online 

Một sinh viên khác tên là Lin Tongfei học báo chí - truyền thông ở Đại học Nhân dân luôn đi tàu hỏa từ Bắc Kinh về Phúc Châu - thủ phủ tỉnh Phúc Kiến từ Tết năm 2011.

Mỗi ngày có ba chuyến tàu từ Bắc Kinh tới Phúc Châu, gồm một chuyến tàu nhanh đi hết 19 giờ 42 phút với giá vé giường cứng khoảng 466 nhân dân tệ, tương đương 75 USD, dành cho người lớn (khoảng 300 nhân dân tệ dành cho sinh viên), chuyến đi hết hơn 34 giờ, và một chuyến chỉ hết 15 giờ 10 phút, với giá ghế hạng hai khoảng 673 nhân dân tệ.

“Chuyến tàu nhanh nhất có giá vé cao quá, đã thế tới Phúc Châu vào buổi đêm, trong khi nhà tôi cách ga hai tiếng rưỡi đi xe. Nếu đi chuyến này, tôi phải qua đêm ở nhà người quen rồi bắt xe buýt trước sáu giờ sáng để về nhà trong tiết trời lạnh giá”, Lin nói.

Lin đặt vé nằm cho chuyến tàu trung bình để có thể ngủ và về đến nhà vào chiều hôm sau. Vé tàu Tết được bán trước 20 ngày; Lin dậy sớm vào www.12306.cn (website chính thức duy nhất bán vé trực tuyến, do Bộ Đường sắt vận hành), nhưng toàn nhận được thông báo hết vé hoặc mạng bận. Ba sáng liên tiếp, Lin và một người bạn dành ít nhất tiếng rưỡi cho việc cố đặt một vé, nhưng đều công cốc.

“Việc bán vé tàu hỏa qua mạng không minh bạch. Có lúc tôi thấy hàng chục vé vẫn còn, nhưng khi tôi đặt mua thì chúng trở về số không”, Lin nói. Cuối cùng, nhờ nhà trường giúp đỡ, Lin mua được vé ngồi cứng.

Ly hôn vì “quê anh - quê em”

Cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, báo chí Trung Quốc lại đăng những chuyện dở khóc dở cười của các cặp vợ chồng ở thành phố về quê ăn Tết. Do chính sách một con của Trung Quốc, đa số người chồng, người vợ là con một và tâm lý chung của họ là muốn sum họp bố mẹ đẻ trong dịp đoàn tụ hiếm hoi trong năm.

Vì thế, thường phát sinh tranh luận, cãi cọ, thậm chí ly hôn. Trước Tết Quý Tỵ 2013, một đôi uyên ương ở tỉnh miền bắc Cát Lâm cãi nhau xem nên về quê chồng ở Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương vùng tây bắc Trung Quốc, hay về quê vợ ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam. Không ai nhường ai, cuối cùng họ nhất trí ly dị sau sáu tháng chung sống.

Phương tiện giao thông hiện đại như máy bay, tàu hỏa cao tốc có thể giúp các cặp vợ chồng trẻ có vài ngày bên bố mẹ dịp Tết, nhưng thực tế là không phải ai cũng đủ tiền đi máy bay và việc mua vé tàu xe trong dịp này khó như lên trời.

Mệt mỏi tàu xe. Ảnh: Sohu Travel
Mệt mỏi tàu xe. Ảnh: Sohu Travel.

Không về mẹ mắng chết 

Dong Yanyun, Phó giám đốc marketing của một công ty internet do Pháp đầu tư, làm việc ở Bắc Kinh, nhưng bố mẹ cô sống tại tỉnh An Huy ở miền đông Trung Quốc.

Cô định bay về vào đêm 30 và biếu bố mẹ 50.000 nhân dân tệ (8.000 USD) tiền mừng tuổi. “Hai năm vừa rồi, tôi không về quê. Năm nay mà không về nữa thì bố mẹ mắng chết”, Dong nói. Tết năm ngoái, cô đi du lịch ở Hong Kong, Tết trước nữa thì ở Philippines.

Dong (31 tuổi) nhận định: “Việc phần đông dân số chật vật về quê dịp Tết là thực sự không cần thiết. Trước hết là lãng phí nguồn lực của cả xã hội để di chuyển cùng lúc và tăng quá nhiều áp lực lên hệ thống giao thông. Thứ hai, đối với nhiều người, Tết đồng nghĩa thăm thú nhiều người họ hàng, những người luôn hỏi những câu cũ rích như “bao giờ lấy chồng”, “bao giờ có em bé”… Những người ở tuổi tôi chán ngấy với các cuộc trò chuyện như vậy”.

Trước tình cảnh làm lính phòng không quá lâu, sợ hãi trước những câu hỏi về chuyện chồng con, không ít trái tim cô đơn phải thuê người giả làm người yêu, làm chồng, làm mẹ chồng… đi cùng về quê đón Tết.

Giáp Tết Quý Tỵ, một phụ nữ trẻ ở thành phố Trùng Khánh đăng quảng cáo trên trang tianya.cn: “Tôi sẽ trả 1.000 nhân dân tệ (160 USD) cho một phụ nữ giả làm mẹ của bạn trai tôi để đến gặp bố mẹ tôi”. Người phụ nữ trẻ giải thích: “Tôi đã chia tay bạn trai một thời gian, nhưng không muốn bố mẹ mình lo lắng. Vì thế, tôi đã nói dối là bạn trai đang công tác nước ngoài”.

Tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, nhưng Man Nuo chuyên bán quần áo qua mạng. Mới đây, anh mở dịch vụ cho thuê bạn trai, với mức phí 600-2.000 nhân dân tệ/ngày. “Mới đầu, tôi chỉ muốn quảng bá cửa hàng quần áo của tôi thông qua dịch vụ mới. Không ngờ, đơn đặt hàng tới ầm ầm”, Man nói.

Lái xe chung

Sun Xuemei (32 tuổi), chuyên gia thiết kế ngoại thất của một công ty bất động sản ở Bắc Kinh, nói: “Tết Quý Tỵ này là năm thứ sáu chúng tôi tự lái xe về quê ở tỉnh Cát Lâm. Tôi và chồng tôi thay nhau lái trong chặng đường tám giờ. Nhiều lần, bạn bè, người thân đi cùng và họ cũng biết lái xe. Mọi người thay nhau lái, kể chuyện cười, chơi game để giết thời gian”.

Tết năm ngoái, hai vợ chồng Sun tốn 2.000 nhân dân tệ cho chuyến đi hai chiều, gồm cả tiền xăng và phí cầu đường. “Năm nay, có thêm hai người cùng đi, nên chi phí thấp hơn; so với đi tàu hỏa, rẻ hơn giá một vé nằm giường cứng”, Sun nói. Tuy nhiên, tự đi bằng xe có rủi ro mắc kẹt trên đường, vì miền bắc Trung Quốc thường có tuyết rơi dày dịp Tết.

Vợ chồng cô Sun có xe riêng và quê không quá xa, nên không phải mệt óc dịp Tết như anh Li Jibing (26 tuổi) làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Giáo dục Trung Quốc.

Mỗi ngày chỉ có hai chuyến tàu từ Bắc Kinh tới Tân Cương, một chuyến đi hết 35 tiếng, chuyến kia 40 tiếng. Để giảm tải cho hai chuyến này, dịp Tết, ngành đường sắt bổ sung thêm tàu tạm.

“Không mua được vé tàu xịn, tôi phải mua vé tàu tạm giá 575 nhân dân tệ với hành trình lên tới 70 giờ. “Tôi từng rời Bắc Kinh hai ngày trước giao thừa, rồi về đến nhà vào mồng 2 Tết. Đi máy bay chỉ hết bốn tiếng, nhưng vé một chiều đã là 2.500 nhân dân tệ. Lương tháng hiện nay của tôi là 4.000 nhân dân tệ, nhưng phải dùng để trả tiền nhà, đi lại, ăn uống…”, anh Li than thở.

Chung tình cảnh tàu xe Tết với anh Li là anh Yang Zhencai - một công nhân xây dựng quê tỉnh Sơn Tây hiện làm việc tại thủ đô. Hành trình của anh Yang kéo dài 15 giờ đi tàu hỏa, sau đó thêm hơn một giờ đi xe buýt rồi 20 phút đi xe máy. Để tiết kiệm tiền, anh mua vé ngồi.

“Toa xe luôn chật ních, đôi lúc đến phòng vệ sinh còn khó. Không mua vé giường nằm nên tôi thêm được ít tiền mua quà tặng bố mẹ và hai con gái”, anh Yang nói. Chuyến về quê của anh tiêu tốn tháng lương trước Tết - khoảng 4.000 nhân dân tệ.

Dịp Tết Quý Tỵ 2013, hệ thống đường sắt Trung Quốc phục vụ khoảng 225 triệu lượt hành khách, còn xe khách đường dài vận chuyển 3,1 tỷ lượt người, chiếm 99% tổng năng lực vận chuyển của ngành đường sắt và xe khách nước này. Ngoài ra, sẽ có khoảng 35,5 triệu lượt đi lại bằng máy bay, tăng 4,9% so với Tết 2012.

Thái An
Theo Legal Weekly, Xinhua, China Daily, Chongqing Morning Post, Chutian Metropolis Daily, 21st Century Business Herald

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG