Người Trung Quốc và World Cup 2006

Người Trung Quốc và World Cup 2006
TP - Năm 2002, cả Trung Quốc hân hoan vì đội bóng của họ lần đầu tiên có mặt ở vòng chung kết World Cup. Hè năm đó, tất cả đều hướng về đội bóng Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của HLV người Nam Tư Bora Milutinovic.

Rất nhiều trường học lắp đặt thêm tivi ngay trong lớp để học sinh có dịp theo dõi đội nhà thi đấu. Mặc dù học sinh lớp 12 phải chuẩn bị thi đại học, thế nhưng vào giờ có trận đấu của đội Trung Quốc, một số nơi vẫn cho các em nghỉ học để xem.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) lần đầu tiên thực hiện kiểu bình luận bóng đá trực tiếp từ sân vận động ở Hàn Quốc. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Trung Quốc chẳng may bị xếp cùng bảng với Brazil. Kết quả cuối cùng đội Trung Quốc đã thua trắng cả ba trận vòng bảng, bị thủng lưới tới 9 bàn và phải ngậm ngùi xách vali về nước.

Sang tới mùa World Cup năm nay, bóng đá Trung Quốc lại tụt hậu khi không qua nổi vòng loại, và đành phải ngồi nhà xem các nước khác tranh tài. Mặc dù chỉ là người ngoài cuộc, nhưng sự hào hứng của đất nước 1,3 tỷ dân thì không hề giảm so với 4 năm trước đây.

CCTV tiếp tục cử một đội ngũ làm chương trình hùng hậu tới 67 người sang Đức. Người phụ trách chương trình tự hào nói rằng, trong số truyền hình các nước “ngoài cuộc” có mặt tại Đức thì đoàn Trung Quốc có quy mô hoành tráng nhất; ngay cả khi so với truyền hình các nước có đội bóng tham gia World Cup, Trung Quốc cũng nằm trong top 10.

Nhưng ê kíp chương trình của CCTV liên tục vấp phải thắc mắc từ các nước bạn: “Tại sao các anh lại tới đây? Hơn nữa lại với quy mô lớn đến như vậy?”. Họ trả lời bằng những poster quảng cáo cho Olympic 2008 tại Bắc Kinh dán kín trên tường phòng chiếu, ngoài ra họ còn bày rất nhiều linh vật biểu tượng của Olympic.

Đài truyền hình Trung Quốc  muốn nhân cơ hội World Cup quảng bá luôn cho Olympic Bắc Kinh sắp tới với các nước bạn. CCTV đã bỏ ra tới 140 triệu nhân dân tệ (tương đương 17.5 triệu USD) để đầu tư cho chương trình phát sóng World Cup năm nay, trong đó họ mất tới 100 triệu NDT (12.5 triệu USD) tiền bản quyền, còn lại là 40 triệu NDT (5 triệu USD) chi phí làm chương trình. Bạch Nham Tùng, một người dẫn chương trình tự hào: “Người hâm mộ bóng đá Trung Quốc là những fan may mắn nhất trên thế giới”.

Thế nhưng, những người làm chương trình vẫn ngậm ngùi: Nếu trình độ bóng đá Trung Quốc sánh kịp với trình độ làm truyền hình thì có lẽ họ sẽ tự hào hơn gấp bội. Thái độ của truyền hình đối với bóng đá Trung Quốc có thể chia làm hai giai đoạn: phê bình và khuyến khích.

Cách đây không lâu, CCTV liên tục làm phóng sự về những vụ bê bối trong liên đoàn bóng đá Trung Quốc và giới trọng tài. Nội dung chủ yếu nhằm vào những con sâu mọt trong giới bóng đá, vạch trần những trận đấu đáng nghi vấn của giải trong nước.

Thế nhưng cuối cùng họ vẫn cảm thấy bất lực trước những vấn đề nan giải, vì luôn có một “bức tường vô hình” chặn giữa giới báo chí và bóng đá. Phê bình, đả kích không xong thì nhà đài lại chuyển sang động viên khuyến khích.

Đài truyền hình liên tục cử người ra nước ngoài, tìm hiểu xem họ đào tạo nhân tài bóng đá như thế nào, rồi làm chương trình, từ đó để cho bóng đá nước nhà noi gương. Từ thái độ phẫn nộ, bực dọc nay truyền hình chuyển sang nhẹ nhàng cổ vũ, gửi gắm kì vọng. Các tiết mục luôn nỗ lực không ngừng để ảnh hưởng tích cực đến bóng đá Trung Quốc.

Sự khát khao, kỳ vọng ở đội bóng còn thể hiện rất rõ trong giới trẻ. Từ ngày đầu tiên của World Cup, không khí tại các kí túc xá sinh viên nóng hẳn lên. Họ tụ tập trong quán bar, nhà ăn của trường hoặc trước màn hình vi tính trong kí túc để xem trực tiếp trên mạng.

Sinh viên vừa xem, vừa lập topic trên các diễn đàn cùng nhau theo dõi và bình luận trận đấu. Lướt qua vài topic có thể thấy khi theo dõi World Cup, họ luôn ngầm so sánh trình độ bóng đá nước mình với các nước xuất sắc.

Đặc biệt là ở những trận có sự hiện diện của các nước châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, ả rập Saudi, sinh viên lại càng thấy xót xa hơn cho bóng đá Trung Quốc. Họ buồn rầu: Lẽ nào đất nước đông dân nhất thế giới lại không đào tạo ra nổi một đội bóng 11 cầu thủ để đại diện cho toàn châu á tham gia World Cup?

Mỗi khi một đội bóng châu á nào đó thắng trận là tất cả sinh viên đều rất hân hoan, nhưng sau đó lại thấy tủi cho nước mình. Rồi họ quay sang đả kích thái độ không nghiêm túc của các cầu thủ nước nhà. Sinh viên vô cùng căm phẫn với những tệ nạn trong giới bóng đá Trung Quốc.

Suốt nửa chặng đường World Cup, tâm trạng của các fan bóng đá cứ dao động như vậy, vui rồi lại buồn. Mặc dù được xem World Cup với những kĩ thuật truyền hình tiên tiến nhất, thế nhưng người hâm mộ bóng đá Trung Quốc vẫn chưa được thỏa mãn, giấc mơ World Cup luôn sục sôi trong lòng các fan.

Thành tích tốt nhất của bóng đá Trung Quốc mới chỉ là á quân cúp châu á từ năm 1984, còn chiếc cúp vàng thế giới thì vẫn còn quá xa vời đối với họ.

MỚI - NÓNG