Nguy cơ bùng phát xung đột Iran - Ảrập Xêút

Iran và Ảrập Xêút là đối thủ tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Tranh: Chowrangi.
Iran và Ảrập Xêút là đối thủ tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Tranh: Chowrangi.
TP - Sau khi nói rằng vụ tấn công vào Đại sứ quán Ảrập Xêút tại Tehran là giọt nước làm tràn ly, Ảrập Xêút hôm qua tuyên bố, các nhà ngoại giao Iran có 2 ngày khăn gói về nước. Giới phân tích cho rằng, đây có thể là điềm xấu về một thời kỳ nghiêm trọng hơn cho tình hình khu vực.

Theo các nhà quan sát, việc hai quốc gia vốn dĩ bất hòa cắt đứt quan hệ ngoại giao không phải việc hiếm gặp. Nhưng “sự đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao giữa Ảrập Xêút và Iran có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát”, CNN dẫn lời ông Fawaz Gerges, Chủ nhiệm khoa nghiên cứu Trung Đông đương đại tại Trường Kinh tế London (Anh). Vốn dĩ hai quốc gia này đứng ở hai phe đối lập trong các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Yemen, Bahrain và Li-băng. Câu hỏi đặt ra hiện nay chỉ là mâu thuẫn này sẽ tồi tệ hơn đến mức nào.

“Tình hình giữa hai quốc gia mạnh nhất vùng Vịnh cực kỳ dễ biến động, khi Ảrập Xêút là quốc gia do người Sunni thống trị và Iran do người Shiite nắm quyền. Chúng ta đã thấy họ khẩu chiến. Chúng ta đã thấy họ có chiến tranh đại diện… Tình hình có thể trở nên rất xấu và nguy hiểm trong vài tuần, vài tháng tới”, CNN dẫn lời ông Gerges.

Nhà phân tích quân sự Mỹ, trung tướng nghỉ hưu Mark Hertling, cho rằng, tình hình có thể leo thang rất nhanh chóng, dẫn đến xung đột trực tiếp giữa hai nước. “Iran và Ảrập Xêút không phải đồng minh tự nhiên cũng không phải kẻ thù tự nhiên, nhưng họ là đối thủ tự nhiên và từ lâu đã cạnh tranh nhau vị trí xuất khẩu dầu mỏ chính và người bảo vệ tự phong của đạo Hồi dòng Shiite và Sunni”, GS Mohsen Milani ở ĐH Nam Florida (Mỹ) nhận định.

Nhà nghiên cứu Gerges cho rằng, cả Ảrập Xêút và Iran đều đang tự cho mình là nạn nhân trong khi căng thẳng giữa hai nước đang leo thang. “Điều chúng ta thấy không chỉ là mâu thuẫn về lời lẽ, mà vốn dĩ đã có chia rẽ lớn, một cuộc chiến đại diện, một cuộc chiến tranh lạnh giữa Ảrập Xêút và Iran. Đó là cuộc chiến về địa chính trị. Đó là vì quyền lực. Đó là vì sự ảnh hưởng”, ông Gerges nói.

Hậu quả lan khắp khu vực

Mâu thuẫn mới nhất nổi lên sau khi Ảrập Xêút hành hình giáo sĩ bất đồng chính kiến thuộc dòng Shiite Nimr al-Nimr cùng vài chục người khác vào cuối tuần qua. Hầu hết trong số 47 người bị hành quyết hôm 2/1 bị buộc tội tham gia các cuộc tấn công do al-Qaeda tổ chức. Theo Bộ Nội vụ Ảrập Xêút, một số trong nhóm này bị chặt đầu còn những người khác bị bắn tại 12 địa điểm khác nhau.

Theo báo chí Iran, ông Nimr nằm trong số ít người bị hành hình vì hoạt động chính trị và là nhân vật đi đầu trong các phong trào chống chính phủ gây tác động đến hầu hết người Shiite ở miền đông đất nước vào năm 2011, lấy cảm hứng từ phong trào Mùa xuân Ảrập ở khu vực. Không lâu sau vụ hành hình, đoàn người biểu tình tấn công Đại sứ quán Ảrập Xêút tại thủ đô Tehran của Iran, ném bom xăng và reo hò trong khi tòa nhà bắt lửa. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi trả thù Ảrập Xêút. 

Các nhà phân tích cho rằng, tìm hiểu sâu về Iran và Ảrập Xêút giúp hiểu sâu hơn lý do tại sao hai nước gia tăng đối đầu. “Có những lý do nội bộ mà cả hai nước hiện nay không muốn rút nắm đấm trước mặt nhau”, ông Ian Bremmer, Chủ tịch hãng tư vấn Eurasia Group, nhận định. Ông Bremmer cho rằng, Ảrập Xêút đang phải đối mặt tình trạng giá dầu lao dốc và cuộc chiến nội bộ về việc lựa chọn người kế vị tiếp theo.

Trong khi đó, Iran cần một con đường để ngăn chặn những nhà cải cách và phương Tây sau khi họ thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Ở cả hai nước, những hành động chủ nghĩa dân tộc đang ghi điểm. “Điều đó có thể gây ra xung đột nguy hiểm đến mức không thể tin nổi”, ông Bremmer nói.

Giới phân tích cho rằng, không thể mong chờ hai nước hạ sớm hạ giọng, và rằng hậu quả của xung đột này sẽ lan khắp khu vực. “Chúng ta đang hy vọng tìm được một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria trong vài tháng tới. Nhưng giờ hãy quên điều đó đi”, ông Gerges phán đoán.

“Chúng ta đang hy vọng một giải pháp ngoại giao cho Yemen. Nhưng hãy quên đi… Hai nhà nước Hồi giáo mạnh nhất ở trái tim của Trung Đông sắp đối đầu trực tiếp, sau một thời gian đối đầu thông qua chiến tranh đại diện, vì thế chúng ta nên cảm thấy báo động”, ông Gerges nói.

Tiếp nối Ảrập Xêút, Bahrain và Sudan hôm qua cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Bahrain được cai trị bởi nhà vua Hồi giáo dòng Sunni, nhưng dân số của họ phần đông theo dòng Shiite. Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) thông báo hạ cấp đại diện ngoại giao của họ tại Tehran và sẽ giảm số lượng nhà ngoại giao Iran ở nước họ. Hai ngôi đền Hồi giáo Sunni tại Iraq hôm qua bị đánh bom và một giáo sĩ trong đền bị giết hại, BBC đưa tin.

Sau vụ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite bị hành hình ở Ảrập Xêút, giá dầu Brent hôm qua tăng 3% lên mức 38,4 USD/thùng, vì giới đầu tư lo ngại những căng thẳng này có thể tác động xấu đến nguồn cung dầu. Giá vàng cũng tăng hơn 1% lên 1.070,2 USD/lượng, CNN đưa tin. 

MỚI - NÓNG