Nguyên tắc ba không

Nguyên tắc ba không
TP - Ấn Độ và Trung Quốc lại vừa đẩy quả bóng giải quyết vấn đề biên giới nóng rẫy sang sân của nhau. Ấn muốn gỡ từng nút thắt còn Trung thích xem xét một cách toàn diện. Điều đó có nghĩa một bên chủ trương “không vội vàng” và nó thuộc về ba nguyên tắc xử lý tranh chấp của TQ không chỉ với láng giềng đông dân nhất nhì thế giới.

Ấn Độ trước hết muốn hóa giải vụ 20 lính nước mình bị đánh chết hôm 15/6 ở dãy Himalaya. Bộ Ngoại giao Ấn hôm 25/8 nhắc lại yêu cầu khôi phục Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) như trước khi xảy ra cuộc chiến giáp lá cà. Chuyên gia Ấn nói TQ luôn che đậy các quan tâm cụ thể bằng lối đưa ra “cách tiếp cận toàn diện”.

TQ nghĩ làm rõ LAC là chủ đề bất khả thi và tốn thì giờ. Do cả hai bên không có quan điểm và ghi chép lịch sử giống nhau, TQ xem nỗ lực xử lý LAC trong ngắn hạn chỉ tổ gây thêm phức tạp và hỗn loạn. Họ muốn bám LAC được phân định năm 1959 còn Ấn coi trọng LAC được vạch năm 1962. Khác biệt ấy là nguồn cơn đưa tới chiến tranh năm 1962 mà Ấn là bên thua cuộc.

TQ lập luận vấn đề biên giới chỉ có thể đạt được bằng giải pháp trọn gói. Thủ tướng Chu Ân Lai từng hy vọng đổi chủ quyền cho nhau ở hai trong ba khu vực tranh chấp nóng nhất là vùng phía đông rộng 90.000 km2 và vùng phía tây 33.000 km2. Chủ quyền của Ấn ở phía đông được đề nghị đổi lấy chủ quyền của TQ ở phía tây.

Việc Thủ tướng Ấn lúc ấy Jawaharlal Nerhu từ chối đề xuất có một lý do quan trọng. Vùng tranh chấp phía đông rộng gần gấp ba vùng phía tây và còn có huyện Tawang (Đạt Vượng), nơi sinh Dailai Lama Đệ Lục (1683-1706), người từng sáng tác thơ và các bài hát rất được chuộng cả ở Tây Tạng ngày nay và toàn cõi TQ. Thừa nhận chủ quyền Ấn ở đấy ngang với ám chỉ vị Dalai Lama đoản mệnh là người Ấn và làm suy yếu chủ quyền của TQ tại Tây Tạng.

Kiểu gì thì dàn xếp biên giới Ấn-Trung khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Bắc Kinh tin họ hầu như không có động lực để tìm kiếm một lối thoát chóng vánh. Chiến lược câu giờ được TQ cụ thể hóa bằng nguyên tắc ba không gồm không có tiền đồn của Ấn ở các vùng tranh chấp, không làm rõ ranh giới LAC và, nhất là, không vội vàng. Cựu đại sứ Ấn Rajiv Bhatia nhận định đàm phán thì cứ đàm còn “khoảng trống giữa hai bên không giảm chút nào”. Quyết đoán của TQ trong cuộc đối đầu với Ấn thực ra không ngạc nhiên nếu đối chiếu với cái kiểu ngoan cố của họ ở biển Đông.

MỚI - NÓNG