Nhà báo Todenhofer và 10 ngày sống ở sào huyệt của IS

Khu chợ trên phố Tal Abyad hồi năm ngoái, trước ngày lễ Eid al-Adha (Ảnh: Reuters)
Khu chợ trên phố Tal Abyad hồi năm ngoái, trước ngày lễ Eid al-Adha (Ảnh: Reuters)
Đường phố Raqqa, thủ phủ của IS tại Syria, nhộn nhịp người qua lại. Các cơ sở kinh doanh tấp nập và cuộc sống dường như hoàn toàn bình thường. Nhưng nỗi sợ hãi ở khắp nơi, khi nguy cơ bị xử tử vì vi phạm luật Sharia hà khắc luôn thường trực.

Suốt 6 tháng ròng rã, phóng viên người Đức Jurgen Todenhofer đã thảo luận với các đại diện Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) qua phần mềm nhắn tin Skype, trước khi được chấp thuận tới thăm thủ phủ Raqqa do nhóm khủng bố này kiểm soát tại Syria.

Cuối cùng, các phần tử thánh chiến cũng chính thức tuyên bố đảm bảo an toàn cho Todenhofer, và ông trở thành phóng viên phương Tây đầu tiên được tới quan sát cuộc sống bên trong thành trì của IS. Trong 10 ngày lưu lại tại đây hồi năm ngoái, ông đã tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân, sự dao động, vỡ mộng trong tâm lý các chiến binh IS, cũng như nguồn gốc khó ngờ của những vũ khí được tuồn cho IS.

Sau vài ngày ở cùng các tay súng IS, có những cuộc trò chuyện dài và quan sát cuộc sống thường nhật của những phần tử này, phóng viên người Đức cho biết: “Họ không quan tâm tới việc chúng ta gọi họ là những kẻ khủng bố”.

Đường phố Raqqa vẫn nhộn nhịp người và xe qua lại, các cơ sở kinh doanh hoạt động, cuộc sống dường như hoàn toàn bình thường, Todenhofer kể lại. Nhưng bất kỳ ai cũng nên nhớ rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan đó đã sát hại hoặc xua đuổi toàn bộ người Hồi giáo Shia và Thiên Chúa giáo, nên tất cả cư dân ở Raqqa đều là người Sunni.

Các phần tử thánh chiến không mấy chú ý tới dân thường, miễn là họ tuân thủ luật Hồi giáo Sharia. Chúng chỉ quan tâm tới những người quan trọng. Dù vậy, nỗi sợ hãi vẫn bao trùm khắp nơi.

Nhà báo Todenhofer và 10 ngày sống ở sào huyệt của IS ảnh 1 Một đại diện của chính quyền IS thuyết phục những người trẻ tuổi gia nhập chiến binh (Ảnh: AP)

“Nếu mắc lỗi, bạn có thể bị giết”, Todenhofer nói và nhớ lại không ít người bị phạt tù giam vì những sai phạm như tới thăm bạn gái, hoặc sử dụng thuốc ngủ. Đây là những việc hoàn toàn bị cấm theo luật Sharia.

Ai cũng biết bọn chúng nguy hiểm, nhưng những người dân thường không quan tâm, bởi “cuộc sống trước kia của họ cũng không khá hơn, khi dưới sự kiểm soát của chính quyền Shia, vốn họ cũng không ưa gì”.

Trên đường phố Raqqa, hầu như không có phụ nữ, còn nếu có thì cũng che kín từ đầu đến chân. Chỉ có những phụ nữ rất lớn tuổi không phải che mặt, Todenhofer nhớ lại. “Bởi nếu họ không còn trẻ đẹp nữa họ được phép để lộ mặt”.

Bị tẩy não và vỡ mộng

Trong thời gian lưu lại lãnh thổ IS, phóng viên người Đức đã gặp những người Nga đến từ vùng Caucasus, và cả người Đức, Pháp, Anh. Ông cho biết, có cảm giác rằng tất cả những người Hồi giáo gia nhập IS từng là những người hoàn toàn không giữ vai trò quan trọng tại nước họ. Họ không được chấp nhận tại đó và bị xem là công dân hạng hai.

“Họ được nói rằng tại Nhà nước Hồi giáo, họ sẽ chiến đấu trong một cuộc chiến lịch sử, trận chiến cuối cùng giữa người tốt và lũ quỷ dữ. Những người trẻ tuổi từng bị phớt lờ tại nước của họ sẽ nhận thấy mình rất quan trọng (tại đó). Và lần đầu tiên trong đời, có ai đó nói với họ rằng họ thực sự quan trọng”, Todenhofer nói.

Nhà báo Todenhofer và 10 ngày sống ở sào huyệt của IS ảnh 2 Các chiến binh Hồi giáo gia nhập IS với ảo tưởng về việc trở thành người hùng và chiến đấu chống Mỹ, nhưng thực chất được lệnh sát hại người Hồi giáo vô tội (Ảnh: RT)

Những thanh niên trẻ đó được nói rằng họ sẽ là những ngôi sao và anh hùng thực sự, họ sẽ có súng AK và chiến đấu chống lại người Mỹ, cùng những chuyện tương tự vậy. “Họ chơi đủ loại trò chơi điện tử trong đó những kẻ giết người là ngôi sao. Và họ tin rằng họ cũng sẽ trở thành ngôi sao.

Họ bị tẩy não, tất nhiên là vậy. Đó là một sự kết hợp rất thành công giữa sự cuồng tín và những bài huấn luyện quân sự rất sáng tạo từ phía các cựu quan chức chính quyền Saddam Hussein”, phóng viên người Đức khẳng định. “Họ nghĩ rằng giờ mình là một điều gì đó lớn lao với một vai trò rất quan trọng”.

Với những thanh niên châu Âu trẻ tuổi gia nhập IS, đường về với họ hầu như đã đóng lại, bởi những ai muốn quay về nhà đều bị xem là kẻ phản bội và sẽ bị giết. Ngoài ra những ai từng tin rằng họ sẽ chiến đấu chống lại binh sỹ Mỹ và Anh thì nhận ra thực tế là họ chỉ giết hại người Hồi giáo vô tội.

“Họ đang nhận ra rằng câu chuyện họ được kể cho nghe hoàn toàn sai. Họ không sống ở một nơi xa hoa như từng được kể khi còn ở Đức. Thay vào đó họ có một cuộc sống rất kham khổ, không phải ngày nào cũng có thực phẩm, thậm chí không nước uống.

Họ sống trong những căn hộ lạnh lẽo rẻ tiền, nên cuộc sống là hoàn toàn khác trước. Họ cũng được yêu cầu phải giết người Hồi giáo. Đó không phải những gì họ được hứa hẹn trước đây”, Todenhofer cho biết.

Phóng viên người Đức tin rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan đang sát hại con tin, ví dụ như một phóng viên người Mỹ vô tội, để reo rắc nỗi sợ hãi và khiêu khích Washington điều bộ binh tới Syria. Bởi những kẻ đó muốn chiến đấu chống lại người Mỹ.

“Tôi nghĩ giờ chúng cũng muốn chiến đấu với cả binh sỹ Nga, bởi chúng vẫn nói với nhau rằng chúng phải trở thành một người hùng và chiến đấu với những nhà vô địch, trong khi những người Hồi giáo chúng sát hại cho đến giờ không phải những nhà vô địch. Chúng muốn chiến đấu với những đối thủ hùng mạnh”.

Vũ khí phương Tây

Các phiến quân tất nhiên không kể cho Todenhofer nghe mọi chuyện, nhưng ông có cảm nhận IS vẫn đang nhận được tiền và vũ khí từ các chính quyền Vùng Vịnh, như Arập xê út.

Vũ khí cũng có thể mua từ thị trường chợ đen, nơi những khẩu súng do châu Âu sản xuất được chào bán. Đôi khi chúng được cung cấp bởi chính các chiến binh Peshmerga người Kurd hoặc Quân giải phóng Syria (FSA).

“Họ nói với tôi rằng ‘cho dù chúng tôi không chiếm được những vũ khí đó, chúng tôi có thể mua, bởi mọi thứ đều có giá. Hầu hết đạn của chúng tôi có được từ FSA’”, Todenhofer kể.

Đó chính là những đạn dược Mỹ đã cung cấp cho FSA hoặc các nhóm khác mà họ khẳng định thuộc về FSA, phóng viên người Đức khẳng định.

IS đang sử dụng chiến thuật chiến tranh du kích, do đó ném bom chúng là một nhiệm vụ khó khăn, bởi chúng luôn phân tán lực lượng khi nguy hiểm đến gần.

“Tôi không thể nhận định về quân đội Nga, nhưng có thể phán đoán về các đội quân phương Tây. Lính thủy đánh bộ và đặc nhiệm Mỹ không có cơ hội trong một cuộc chiến với các chiến binh du kích, bởi những chiến binh đó sẵn sàng chết, còn lính Mỹ không muốn chết”, Todenhofer nói.

Để thực sự gây khó khăn cho IS, phương Tây cần làm nhiều việc, như chấm dứt việc cung cấp vũ khí, đạn dược và từ các chính quyền Vùng Vịnh; đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dùng để điều các chiến binh IS mới. Todenhofer khẳng định việc đi lại qua biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ dàng.

Điều quan trọng thứ ba đó là thúc đẩy sự hòa giải giữa người Shia và Sunni tại Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi IS đang được hậu thuẫn bởi những người bất mãn với các chính quyền và tình hình thực tại.

Để đánh bại IS cần một chiến lược thông minh, Todenhofer khẳng định.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.