Nhà đầu tư tháo chạy, ngân hàng hạ lãi suất

Nhà đầu tư tháo chạy, ngân hàng hạ lãi suất
TP - Sau một phiên hồi phục nhẹ, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục tuột dốc trong phiên giao dịch ngày 8/10 vì lo sợ cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trầm trọng. Hàng loạt ngân hàng phải giảm lãi suất nhằm chặn làn sóng bán tháo cổ phiếu.

>> Chứng khoán Nhật Bản giảm thấp nhất 5 năm qua
>> CK Mỹ tiếp tục giảm, CP tài chính thấp nhất trong thập kỷ qua
>> VN-Index còn 401,33 điểm

Nhà đầu tư tháo chạy, ngân hàng hạ lãi suất ảnh 1
Phản ứng của nhà đầu tư Indonesia sau khi thị trường ngừng giao dịch

Nhà đầu tư ở Tokyo đua nhau bán tháo cổ phiếu khiến chỉ số Nikkei của Nhật Bản sụt giảm tới 9,4% - mức cao nhất trong 21 năm qua.

“Cảnh bán tháo ở Phố Wall châm ngòi cho cuộc tháo chạy ở Tokyo. Nó giống như phản ứng dây chuyền. Không ai dò được đáy của cuộc khủng hoảng tài chính”, Kazuhiro Takahashi, Tổng giám đốc Cty chứng khoán Daiwa, nhận định.

Chính quyền Indonesia cho đóng cửa sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt của nước này sau khi tuột dốc hơn 10%. Nỗi sợ hãi vẫn lấn át nhà đầu tư dù trước đó Thống đốc Ngân hàng TƯ tuyên bố Indonesia sẽ tránh được kịch bản tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) mất thêm 8,2% - mức giảm cao nhất trong hơn hai năm qua - bất chấp việc Ngân hàng Hồng Kông cắt giảm 1% lãi suất. Chỉ số Sensex (Ấn Độ) tiếp tục giảm thêm 4,3%; Kospi (Hàn Quốc) giảm 5,8%.

Chỉ số chứng khoán chủ chốt của Singapore, Đài Loan cũng có mức sụt giảm gần 6%. Sau một ngày hồi phục nhờ động thái cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ, chỉ số S&P/ASX200 của Úc lại quay đầu giảm tới 5% vào ngày 8/10.

Tại châu Âu, hầu hết TTCK đua nhau lao dốc sau một ngày hồi phục nhẹ khi khả năng đổ vỡ của các ngân hàng ngày càng lộ rõ. Hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt ở Nga đã phải ngừng giao dịch cho tới hết tuần này sau khi mất tới hơn 14% giá trị ngay trong giờ giao dịch đầu tiên của ngày 8/10.

Bất chấp việc Chính phủ Anh quyết định chi 90 tỷ USD để mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn đang đối mặt với nguy cơ phá sản, chỉ số FTSE 100 của nước này giảm hơn 5%. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở Đức, Pháp... đều có mức giảm trên 6% dù Ngân hàng TƯ châu Âu nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất.

Cuộc tháo chạy ở châu Á, châu Âu tiếp nối cảnh hoảng loạn tại Phố Wall khi TTCK Mỹ mất tới 700 tỷ USD chỉ trong một phiên giao dịch ngày 7/10. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm thêm 508 điểm (5,1%) và tổng cộng đã mất 1.400 điểm trong 5 phiên giao dịch gần đây. Chỉ số SPX, Nasdaq của Mỹ cũng giảm gần 6%, xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua.

Trung Đông bốc hơi gần 1.000 tỷ USD

TTCK tại các quốc gia dầu mỏ giàu có ở Trung Đông chứng kiến phiên tháo chạy thứ tư liên tiếp vào ngày 8/10 khi nhà đầu tư lo sợ các chính phủ sẽ không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chứng khoán ở Arập Xê-út, TTCK lớn nhất Trung Đông, giảm hơn 7,5%, xuống dưới 6.000 điểm, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Chỉ số CASE 30 (Ai Cập) giảm gần 13% chỉ sau ít phút giao dịch ngày 8/10 dù phiên trước đó đã mất tới 16,7% giá trị.

Sàn chứng khoán ở Doha, lớn thứ hai ở Trung Đông, giảm 8,3%, mức giảm lớn nhất trong một phiên giao dịch trong nhiều năm qua ở quốc gia dầu mỏ Qatar...Trong bốn phiên giao dịch gần đây nhất, 7 TTCK chủ chốt ở Trung Đông đã bốc hơi gần 1.000 tỷ USD.

Hàng loạt Ngân hàng T.Ư cắt giảm lãi suất

Sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc, Ngân hàng Hồng Kông cắt giảm lãi suất, ngày 8/10 đã có thêm nhiều ngân hàng khác có động thái tương tự nhằm tạo lòng tin cho giới đầu tư về sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.

Trong một động thái khẩn cấp, Cục Dự trữ LB Mỹ (FED) vừa quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất xuống còn 1,5%. Dự báo, đà bán tháo trên Phố Wall sẽ bị chặn lại, thậm chí thị trường sẽ hồi phục nhẹ trong các phiên giao dịch cuối tuần sau quyết định của FED.

FED tuyên bố Ngân hàng TƯ châu Âu, Anh quốc, Canada, Thụy Điển, Thụy Sĩ cũng sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong nỗ lực hợp tác xuyên quốc gia để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngay sau động thái của FED, Ngân hàng TƯ Anh cắt giảm lãi suất xuống còn 4,5%, trong khi Ngân hàng TƯ châu Âu cũng giảm tỷ lệ lãi xuất xuống còn 3,75%.

Ngày 8/10, Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất ngân hàng nhằm kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, Trung Quốc quyết định cắt giảm lãi suất ngân hàng.

Ngoài việc cắt giảm lãi suất, Chính phủ Anh có kế hoạch chi tới 875 tỷ USD để mua chứng khoán của các ngân hàng lớn, rót vốn ngắn hạn và dài hạn cho hệ thống ngân hàng nhằm tránh sự đổ vỡ, củng cố lòng tin cho giới đầu tư. 

MỚI - NÓNG