Nhậm chức chủ tịch EU mới: Tây Ban Nha cam kết để lại dấu ấn

Nhậm chức chủ tịch EU mới: Tây Ban Nha cam kết để lại dấu ấn
TP - Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, Tây Ban Nha đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) luân phiên nhiệm kỳ sáu tháng trong một thể chế mới theo tinh thần Hiệp ước Lisbon đã có hiệu lực.
Nhậm chức chủ tịch EU mới: Tây Ban Nha cam kết để lại dấu ấn ảnh 1
Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU - Ảnh: eitb24.com

Chức Chủ tịch EU luân phiên của Tây Ban Nha có quyền lực ít hơn nhiều so với cùng chức này mà Thụy Điển đảm nhận trong sáu tháng qua.

Theo Hiệp ước Lisbon được 27 quốc gia EU thông qua hồi tháng 11 vừa qua, EU mới có Hội đồng Châu Âu là cơ quan tối cao, trong đó các thành viên Hội đồng đều là những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ của 27 quốc gia thành viên EU.

Đứng đầu Hội đồng Châu Âu là một chủ tịch thường trực nhiệm kỳ 2,5 năm.

Ông Herman Van Rompuy, cựu Thủ tướng Bỉ, vừa trúng cử vào chức Chủ tịch thường trực đầu tiên của Hội đồng Châu Âu, bắt đầu đảm nhiệm chức vụ vào ngày 1-1-2010.

Do vậy, trên thực tế, Tây Ban Nha với tư cách Chủ tịch luân phiên EU chỉ được chủ trì những cuộc họp của các bộ trưởng Ngoại giao (có thể cả một số bộ trưởng các bộ khác) thuộc Hội đồng Châu Âu. Các cuộc họp này cho nhiệm vụ chuẩn bị cho hai kỳ họp cấp cao thường kỳ Hội đồng Châu Âu vào dịp mùa xuân và mùa thu hàng năm.

Cho dù quyền lực của Chủ tịch luân phiên EU giờ đây đã bị cắt giảm nhiều theo qui chế mới, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero vẫn cam kết sẽ để lại dấu ấn dễ nhận thấy trong lịch sử EU.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Tây Ban Nha, EU và Nga sẽ phải xem xét việc ký một hiệp định hợp tác đối tác mới thay thế cho hiệp định PCA đã hết hạn từ cuối năm 2007.

Các nhà ngoại giao tin rằng hiệp định hợp tác đối tác Nga - EU sẽ được ký kết trong thời gian Tây Ban Nha làm Chủ tịch luân phiên EU.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi Tây Ban Nha đảm nhận chức, Nga đã cảnh báo việc cung cấp dầu mỏ cho châu Âu qua đường ống Druzhba chạy qua Ukraine có thể gặp trục trặc vì những việc làm thiếu thiện của phía Kiev.

Mặc các quan chức EU cho rằng việc chậm trễ vận chuyển dầu mỏ không gây tình trạng căng thẳng như chậm trễ cung cấp hơi đốt nhưng EU vẫn sẵn sàng quan sát chặt chẽ tình hình cung cấp dầu từ Nga sang EU qua Ukraine.

Đ.P
Theo Ria-Novosti

MỚI - NÓNG