Nhận diện thế hệ đặc vụ mới của FBI

Trụ sở FBI ở Washington
Trụ sở FBI ở Washington
Thế hệ đặc vụ FBI mới năng động và hành động nhanh hơn thế hệ cũ. Khi nghi ngờ một đối tượng làm gián điệp thì họ sẽ chủ động tấn công bằng mọi cách hơn là ngồi im mà chờ đợi đối tượng lộ tông tích.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang sử dụng thế hệ đầu tiên các điệp viên có nhiều kỹ năng mới để dần thay thế các đặc vụ cũ vốn chỉ biết đối phó với các loại tội phạm truyền thống như bắt cóc tống tiền, tội phạm cổ cồn trắng và mafia - được đánh giá là có nhiều kỹ năng về địa chính trị thế giới Hồi giáo hơn các đồng nghiệp thuộc thế hệ trước đây.

Tim Murphy, cựu Phó Giám đốc FBI, cho biết thế hệ đặc vụ mới FBI hiểu biết về sự khác biệt giữa hai phái Sunni và Shiite, giữa các nhánh của Al Qaeda cũng như giữa chính trị và tôn giáo. Sau vụ khủng bố 11-9, FBI đặc biệt quan tâm tuyển mộ những người có kiến thức sâu rộng về quan hệ quốc tế, tình báo hay khoa học máy tính. Cụ thể là, những người có năng lực để đối phó với thế giới phức tạp của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Hezbollah, các hacker Trung Quốc...

Nhận diện thế hệ đặc vụ mới của FBI ảnh 1

Tim Murphy, cựu Phó Giám đốc FBI (trái) và Andrew McCab, lãnh đạo Ban An ninh Quốc gia của FBI

Thế hệ đặc vụ mới của FBI nói chung cũng đã ở tuổi 40, nhưng họ có đầu óc năng động của tuổi trẻ và biết đọc ý nghĩ của kẻ thù. Từ năm 2007, FBI bắt đầu thành lập một bộ phận tình báo chuyên nghiệp mới nhằm đáp ứng nhu cầu chống khủng bố và gián điệp.

Một chuyên gia tình báo cho biết, thế hệ đặc vụ FBI mới năng động và hành động nhanh hơn thế hệ cũ, nghĩa là khi nghi ngờ một đối tượng làm gián điệp thì họ sẽ chủ động tấn công bằng mọi cách hơn là ngồi im mà chờ đợi đối tượng lộ tông tích.

Theo Tim Murphy, phần đông các đặc vụ FBI phải phục vụ 19 đến 20 năm trước khi có cơ hội trở thành lãnh đạo chi nhánh ở những địa phương. Andrew McCabe, 45 tuổi, lãnh đạo thế hệ đặc vụ mới của Ban An ninh quốc gia (NSB) từ tháng 1/2012. Nhưng từ năm 2010, McCabe đã được cất nhắc vào vị trí chỉ huy nhóm thẩm vấn tù nhân đặc biệt gọi tắt là HIG - đó là một đội chuyên gia liên cơ quan bao gồm giới chức Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc được thành lập với nhiệm vụ hỏi cung các nghi can khủng bố hàng đầu của Al-Qaeda ngay sau khi chúng bị bắt giữ.

Một tài năng lãnh đạo mới khác là Robert Anderson, 47 tuổi. Năm 2012, Anderson được chỉ định làm trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI, phụ trách các cuộc điều tra về gián điệp Trung Quốc cũng như nhiều vụ lớn khác. Trước khi gia nhập FBI vào năm 1995, Robert Anderson trải qua 9 năm phục vụ trong lực lượng Cảnh sát chính phủ Delaware (DST) và được tuyên dương khi cố gắng giải cứu người trong một tòa nhà đang cháy. Do đó, khi mới đầu quân vào FBI, Anderson được phân công ngay vào đội giải cứu con tin của FBI.

Theo đánh giá của các cựu chuyên gia tình báo, nhiều người rất thích được làm việc với Andrew McCabe và Robert Anderson bởi vì hai người này có tính quyết đoán cao đồng thời luôn ủng hộ và tạo cơ hội tốt nhất cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những lãnh đạo mới năng lực cao khác thuộc thế hệ sau ngày 11/9/2001 của FBI có James Yacone, 48 tuổi, cựu thành viên đội giải cứu con tin và chỉ huy chi nhánh FBI ở Denver.

James Yacone được trọng vọng khi xử lý thành công hai cuộc điều tra nổi tiếng - âm mưu đánh bom năm 2011 nhằm vào một trung tâm mua sắm lớn gần Trường trung học Columbine, và vụ tấn công khủng bố rạp chiếu phim Aurora năm 2012 giết chết 12 người và làm bị thương 70 người khác. Tháng 3/2012, Yacone được gọi về Washington để nhận nhiệm vụ lãnh đạo nhóm phản ứng sự cố nguy kịch của FBI. Một lãnh đạo trẻ khác cũng được nhiều người chú ý là Michael Steinbach, 47 tuổi, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI ở Miami.

Tim Murphy tin rằng người Mỹ có thể kỳ vọng vào thế hệ đặc vụ và lãnh đạo mới sẽ giúp FBI trở thành tổ chức công khai, minh bạch và trung thực hơn. Murphy nhận định, nếu những gương mặt trẻ nhìn thấy điều gì đó không đúng đang diễn ra bên trong FBI thì họ chắc chắn sẽ "đứng lên và nói lên sự thật".

Tháng 3/2007, Phó giám đốc FBI Timothy Murphy nói rằng FBI đã không tạo được sự giám sát đầy đủ trong nhiệm vụ săn lùng những phần tử khủng bố trong nước dẫn đến việc lạm dụng quyền lực để thu thập số điện thoại, e-mail, số liệu tài chính và những ghi chép đi lại của các cá nhân và tổ chức.

Trong một báo cáo được tiết lộ vào ngày 20/9/2010, Tổng thanh tra Glenn Fine của Bộ Tư pháp Mỹ - người chịu trách nhiệm tiến hành những cuộc điều tra về nhân viên và những chương trình của Bộ Tư pháp - tuyên bố FBI đã lạm dụng quyền lực khi tiến hành gián điệp Tổ chức quốc tế về môi trường Hòa bình Xanh của Mỹ (Greenpeace USA), Tổ chức Bảo vệ động vật PETA và 2 nhóm chống chiến tranh trong những cuộc điều tra chống khủng bố nội địa từ năm 2001 đến 2006

Theo Di An
Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG