Nhật Bản cân nhắc chôn nhà máy điện hạt nhân

Các quan chức TP Fukushima mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân động đất, sóng thần Ảnh: AP
Các quan chức TP Fukushima mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân động đất, sóng thần Ảnh: AP
TP - Ngày 18-3, các kỹ sư Nhật Bản nói, chôn nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 trong bê tông và cát có thể là cách duy nhất phòng thảm họa phóng xạ. Cùng ngày, Nhật Bản nâng mức báo động tại nhà máy từ 4 lên 5 (mức cao nhất là 7).

> Nhật nâng mức cảnh báo sự cố hạt nhân lên cấp 5
> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Các quan chức TP Fukushima mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân động đất, sóng thần Ảnh: AP
Các quan chức TP Fukushima mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân động đất, sóng thần. Ảnh: AP .

Đây là lần đầu tiên đơn vị vận hành nhà máy Fukushima số 1, Cty Điện lực Tokyo (Tepco), thừa nhận rằng, việc chôn nhà máy là một giải pháp. Dùng bê tông và cát để chôn các lò phản ứng là phương pháp được dùng để bịt rò rỉ quy mô lớn ở nhà máy Chernobyl năm 1986. Đây là dấu hiệu cho thấy các hành động trước đó như dùng máy bay trực thăng quân sự trút nước xuống các lò phản ứng của nhà máy Fukushima số 1 không mấy thành công.

“Không thể phong kín hoàn toàn các lò phản ứng trong bê tông. Nhưng ưu tiên của chúng tôi hiện nay là cố gắng hạ nhiệt chúng đầu tiên”, một quan chức của Tepco phát biểu tại buổi họp báo hôm qua.

Hôm qua, hàng triệu người ở Tokyo đóng cửa không ra khỏi nhà vì lo phát nổ phóng xạ ở nhà máy Fukushima số 1 cách thủ đô 240 km về phía bắc dù gió có khả năng thổi đám hơi nước hoặc khói chứa bụi phóng xạ về phía Thái Bình Dương. Phóng xạ không gây nguy hiểm tức thời tới sức khỏe con người ngoài phạm vi nhà máy, Michael O’Leary, người đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Trung Quốc, nói.

Kiểm tra nhiễm xạ cho một em bé ở thành phố Koriyama (tỉnh Fukushima) Ảnh: AP
Kiểm tra nhiễm xạ cho một em bé ở thành phố Koriyama (tỉnh Fukushima). Ảnh: AP.

Gregory Jaczko, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Hạt nhân Mỹ, nói rằng, có thể mất hàng tuần để xử lý các thanh nhiên liệu ở nhà máy Fukushima số 1 đang quá nóng, có nguy cơ tan chảy, đưa hàng tấn bụi phóng xạ vào không khí. Theo Jaczko, bể nước làm mát dành cho các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4 của nhà máy có thể đã cạn, và rò rỉ phóng xạ lại bắt đầu.

Graham Andrew, trợ lý của Tổng Giám đốc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho biết, chính phủ Nhật Bản thông báo hơi nước hoặc khói trắng vẫn bốc lên từ 3 lò phản ứng và các máy bay trực thăng đổ nước xuống nhà máy đã bị nhiễm một lượng nhỏ phóng xạ.

“Tình hình vẫn rất nghiêm trọng, nhưng không tồi tệ hơn nhiều kể từ hôm qua”, Andrew thông báo ngày 18-3, một ngày sau khi đội chuyên gia của IAEA làm việc tại Nhật Bản. IAEA nói rằng, phát xạ ở nhà máy Fukushima số 1 hiện ở mức 20 millisievert/giờ, trong khi mức tối đa cho phép đối với công nhân nhà máy là 100 millisievert/giờ.

Các quan chức Nhật Bản nói họ vẫn hy vọng lắp được đường điện tới ít nhất 2 lò phản ứng để tái khởi động máy bơm nhằm giảm nhiệt các thanh nhiên liệu hạt nhân. Các công nhân cũng phun nước vào lò phản ứng số 3, một trong các lò bị hỏng nặng nhất.

Đồng hồ đo phóng xạ chỉ mức 0,6 microsievert ở khu Shibuya (Tokyo) hôm 15-3 Ảnh: Reuters
Đồng hồ đo phóng xạ chỉ mức 0,6 microsievert ở khu Shibuya (Tokyo) hôm 15-3. Ảnh: Reuters.

Một người quản lý của Tepco nói ông hy vọng hệ thống điện sẽ được khôi phục tại 2 lò phản ứng bị hỏng nặng nhất, lò số 3 và số 4, vào chủ nhật tới. Tuy nhiên, nếu các kỹ sư khôi phục được hệ thống điện tại nhà máy thì cũng chưa rõ máy bơm hoạt động được hay không vì chúng có thể bị hỏng trong vụ động đất hoặc các vụ nổ sau đó. Ngoài ra, người ta lo nguy cơ chập điện gây thêm vụ nổ.

Khoảng 30.000 hộ dân ở miền bắc vẫn thiếu điện, trong khi trời rét hại, Cty Điện lực Tohuku nói. Chính phủ cho biết, ít nhất 1,6 triệu gia đình đang thiếu nước máy.

Hôm qua, lực lượng cảnh sát quốc gia khẳng định 6.911 người chết trong đợt động đất và sóng thần, 10.316 người ở 6 tỉnh mất tích. 

Người phát ngôn cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản, Hidehiko Nishiyama, nói rằng, chưa rõ hiệu quả của việc phun nước vào các lò phản ứng, đặc biệt là vào những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

“Chúng tôi cũng tính đến giải pháp chôn các lò phản ứng. Nhưng hiện nay chúng tôi tập trung hạ nhiệt chúng”, Nishiyama nói tại một buổi họp báo.

Hôm qua, chính phủ Nhật Bản cảnh báo 13 triệu dân Tokyo rằng, có thể mất điện trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện giảm mức tiêu thụ điện năng khiến một số khu vực của thành phố vốn rực rỡ đèn neon tối om. Chính phủ yêu cầu người sống trong bán kính 20 km của nhà máy Fukushima số 1 đi sơ tán, và khuyên người trong bán kính 30 km ở trong nhà.

Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo giục công dân Mỹ sống trong phạm vi 80km quanh nhà máy đi sơ tán hoặc ở trong nhà. Trong khi đó, Anh giục công dân của mình cân nhắc việc rời khỏi khu vực. Nhiều nước khác khuyến cáo công dân mình ở Nhật Bản chuyển xuống phía nam hoặc về nước.

Tuần này, độ phóng xạ ở Tokyo ở mức 0,809 microsievert/giờ, thấp hơn 10 lần lượng phóng xạ một người tiếp nhận nếu chụp X quang răng. Hôm qua, mức phóng xạ vẫn trong mức trung bình.

Minh Long (tổng hợp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.