Nhật Bản, Hàn Quốc tháo ngòi nổ xung đột

Nhật Bản, Hàn Quốc tháo ngòi nổ xung đột
TP - Các quan chức ở Tokyo và Seoul cuối tuần qua đã ký kết một  thỏa hiệp quan trọng liên quan đến vụ tranh chấp quần đảo nhỏ mà người Hàn Quốc gọi là Dokdo còn người Nhật Bản là Takeshima.
Nhật Bản, Hàn Quốc tháo ngòi nổ xung đột ảnh 1
Quần đảo Dokdo (Takeshima)

Sự thỏa hiệp khẩn cấp có tác dụng tạm thời tháo ngòi nổ xung đột vũ trang trên biển giữa hai nước lớn ở Đông Bắc á. Quần đảo Dokdo (hay Takeshima) rộng 230.000m2, bao gồm 34 hòn đảo nhỏ không có nước ngọt, do núi lửa tạo nên.

Vùng biển xung quanh quần đảo này là một nguồn lợi lớn về hải sản và tiềm năng khoáng sản dưới đáy biển. Từ năm 1953, sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên, quần đảo nói trên do Hàn Quốc kiểm soát.

Trước đó, Nhật Bản chiếm đóng toàn bộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 nên Tokyo cho rằng quần đảo Takeshima thuộc về Nhật Bản vì lý do lịch sử.

Cuộc tranh chấp quần đảo nhỏ này giữa hai nước đã âm ỷ từ lâu nhưng gần đây lại bùng lên dữ dội sau khi Nhật Bản có kế hoạch đưa các tàu khảo sát đến vùng biển này hoạt động trong 6 tuần.

Được biết, phía Tokyo đã đưa 2 tàu bảo vệ bờ biển đến khảo sát, đo vẽ bản đồ một cách chính thức đối với quần đảo Takeshima. Do bị phản đối của Hàn Quốc, hai tàu này phải neo đậu  chờ lệnh cấp trên mới được thực hiện kế hoạch. Phía Tokyo gọi đó là chuyến công tác thông lệ của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản.

Phía Hàn Quốc đã phản ứng dữ dội đối với kế hoạch này của Nhật Bản, coi đó là hành động khiêu khích. Các quan chức Seoul dọa rằng quân đội Hàn Quốc sẽ không loại trừ việc dùng vũ lực để bảo vệ quần đảo Dokdo của họ.

Ngày 19/4 vừa qua, Hàn Quốc đưa tới vùng biển tranh chấp một hải đội gồm 20 tuần dương hạm sẵn sàng ngăn cản 2 tàu của Nhật Bản. Tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để bàn cách đối phó với hành động của Nhật Bản.

Ngoại trưởng Ban Ki Moon cho biết Hàn Quốc đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả đối với mọi kịch bản có thể xảy ra. Nguy cơ xung đột hải quân giữa hai bên đã dâng lên đến cao trào.

Thực ra, trong lúc Nhật Bản vạch kế hoạch khảo sát quần đảo nói trên, phía Hàn Quốc cũng đang tìm cách chính thức đăng ký tên Hàn Quốc lên tổ chức IHO quốc tế đối với các các cấu trúc địa lý đáy biển ở khu vực tranh chấp.

Phía Nhật Bản  đã lên tiếng phản đối kế hoạch nói trên của Hàn Quốc đồng thời đề nghị phía Seoul tạm ngừng các nỗ lực đó. Gần đây Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun cho biết Seoul sẽ không còn “ngoại giao thầm lặng” như trước đây mà sẽ áp dụng quan điểm tích cực hơn trong việc bảo vệ quần đảo Dokdo.

Tình hình căng thẳng đến mức tại hai thủ đô đã diễn ra nhiều cuộc biểu dương lực lượng của nhiều tầng lớp dân chúng mỗi nước nhằm bảo vệ cho lập trường của mỗi bên.

Ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản phải cử Thứ trưởng Ngoại giao Shotaro Yachi tức tốc đến Seoul để thảo luận với các đồng nghiệp Hàn Quốc nhằm tháo ngòi nổ xung đột.

Sau ngày đàm phán thứ nhất (21/4), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Yu Nyung Hwan cho biết hai bên không tìm được cơ sở chung. Còn Thứ trưởng Shotaro Yachi thì cho rằng các cuộc thảo luận này diễn ra rất gay gắt và căng thẳng.

Tối 22/4, hai Thứ truởng Ngoại giao hai nước kết thúc ngày đàm phán thứ 2 bằng một thỏa thuận 3 điểm nhằm tháo gỡ ngòi nổ xung đột.

Theo đó, hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán tiếp vào tháng 5 tới; phía Hàn Quốc đã ra lệnh rút 20 tàu tuần dương đã triển khai ra khỏi vùng biển tranh chấp đồng thời tạm chưa đặt ra vấn đề đăng ký tên Hàn Quốc cho địa hình đáy biển khu vực tranh chấp lên IHO vào phiên họp tới; sáng 23/4 phía Nhật Bản rút hai tàu khảo sát về căn cứ tạm ngừng kế hoạch khảo sát.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có nguồn gốc lịch sử lâu đời nên không thể giải quyết vấn đề này chỉ trong hai ngày thảo luận. Tuy nhiên, hai nước lớn ở Đông Bắc Á này bước đầu đã thông qua biện pháp ngoại giao để tháo được ngòi nổ xung đột hải quân trên vùng biển tranh chấp là điều được đánh giá cao. Biện pháp quân sự không bao giờ giải quyết được tận gốc vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

MỚI - NÓNG