Nhật Bản hoài nghi vai trò của G7 với châu Á

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự thượng đỉnh G7 tại Pháp. (Ảnh: Kyodo)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự thượng đỉnh G7 tại Pháp. (Ảnh: Kyodo)
TPO - Có những dấu hiệu cho thấy Nhật Bản, thành viên châu Á duy nhất trong nhóm G7, bắt đầu hoài nghi về ảnh hưởng của tổ chức 44 tuổi gồm chủ yếu các nước phương Tây này, vì nó gần như không tạo ra hiệu quả nào trong việc giải quyết những vấn đề ở khu vực Đông Á. 

Đặc biệt với tình trạng Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nhà lãnh đạo châu Âu bất đồng về vấn đề thương mại, an ninh và khí hậu, những mối bận tâm của châu Á rất ít được chú ý tại các cuộc gặp của G7, các quan chức Nhật Bản chia sẻ với báo chí nước này. 

Dù Nhật Bản tiếp tục hợp tác với các đối tác trong G7 để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, cũng như hệ lụy của tình trạng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng mọi thứ gần đây diễn ra không như Tokyo mong muốn. 

Các thành viên của G7 gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản và Mỹ, cộng thêm EU. 

“Chúng ta là thành viên G7 duy nhất đến từ châu Á. Chúng ta phải đóng một vai trò đáng kể trong nhóm gồm toàn các nền kinh tế phát triển của thế giới để giải quyết những thách thức mà khu vực Đông Á đang đối mặt”, một nhà ngoại giao Nhật Bản công tác tại một nước châu Á, nói. 
Nhưng “các nước G7 khác quan tâm đến những vấn đề liên quan đến họ, và khác với chúng ta. Chúng tôi lo ngại rằng khuôn khổ G7 có thể không hiệu quả để mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á”, vị quan chức nói với Kyodo. 

Cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài 3 ngày năm nay diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Biarritz ở miền tây nam nước Pháp, cùng thời điểm Triều Tiên phóng 2 vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đây là đợt phóng thứ bảy của Triều Tiên kể từ ngày 25/7. 

Vài giờ trước khi các lãnh đạo G7 gặp nhau, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có cuộc nói chuyện riêng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Các lãnh đạo này đồng ý với Thủ tướng Abe rằng sẽ “hợp tác chặt chẽ” để kìm hãm mối đe dọa an ninh do Triều Tiên gây ra, các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết. 

Tuy nhiên, một quan chức tiết lộ ông Abe và bà Merkel “không thảo luận sâu” về Triều Tiên, và Thủ tướng Đức chỉ nói: “Ông nói đúng”, sau khi Thủ tướng Abe thông báo về quan điểm của Nhật Bản đối với Bình Nhưỡng. 

Khi ông Abe nói chuyện với Thủ tướng Trudeau, hai bên chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của phi hạt nhân hóa Triều Tiên và triển khai các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng mà không trao đổi về những vụ thử vũ khí gần đây của nước này, một quan chức ngoại giao khác của Nhật Bản chia sẻ. 

Cuộc gặp ngày 25/8 giữa ông Abe và Tổng thống Trump bên lề thượng đỉnh G7 cũng thể hiện quan điểm khác nhau về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. 

Khi được hỏi về chuyện Bình Nhưỡng phóng hàng loạt tên lửa tầm ngắn, ông Trump từng nói với báo giới: “Tôi không vui về điều đó. Nhưng một lần nữa ông ấy không vi phạm thỏa thuận”.
Còn ông Abe nói với ông Trump rằng các vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và gọi đó là những việc “cực kỳ đáng tiếc”. 

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ đạn đạo. 

Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura trong cuộc họp báo tại Biarritz nói rằng các nước G7 đồng ý hợp tác để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Nhưng ông không đề cập các lãnh đạo có chia sẻ quan điểm với Nhật Bản rằng những vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng gần đây vi phạm các nghị quyết hay không. 

“Tôi không chắc người phương tây cảnh giác với các tên lửa và vũ khí hạt nhân Triều Tiên bao nhiêu”, một quan chức ngoại giao Nhật Bản nói. 

“Giờ đây khi ông Trump và ông Kim Jong Un rõ ràng đang cố gắng tiến đến đàm phán song phương,Triều Tiên trở thành một vấn đề không phù hợp để mang ra thảo luận ở G7”, vị quan chức nói. 

Đối với cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung, các lãnh đạo G7 đồng ý sẽ có “mọi biện pháp cần thiết” để giải quyết những hệ lụy đối với kinh tế toàn cầu, ông Nishimura nói. Nhưng ông không cho biết những bước đi cụ thể nào sẽ được G7 triển khai. Điều này cho thấy những khó khăn mà nhóm đang phải đối mặt trong việc cùng đoàn kết để giảm bớt căng thẳng thương mại. 

Trước khi lên đường đến Biarritz, ông Abe nói với các phóng viên tại Tokyo: “Chúng tôi sẽ thảo luận và tìm kiếm tiến triển trong các vấn đề liên quan đến tăng trưởng toàn cầu bền vững và thúc đẩy tự do thương mại”. 

Kinh tế Nhật Bản đã xuất hiện các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu sang đối tác thương mại lớn nhất của họ là Trung Quốc giảm sút, vì tác động của cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung. Nhưng trong tuyên bố chung chỉ dài 1 trang do Pháp, nước chủ nhà G7 năm nay, đưa ra chỉ nói ngắn gọn rằng nhóm này “cam kết duy trì thương mại thế giới mở và công bằng và sự ổn định của kinh tế toàn cầu”. 

“Chúng tôi không còn kỳ vọng khuôn khổ G7 sẽ hoạt động như một nhân tố tạo nên tăng trưởng kinh tế ở khu vực của chúng ta nữa”, một quan chức ngoại giao Nhật nói.

Theo theo Kyodo
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.