Nhật Bản lo Mỹ bất lực hoặc bỏ rơi

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của nước này. Ảnh: Bloomberg
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của nước này. Ảnh: Bloomberg
TP - Một mối lo ngại  không được Nhật Bản nói ra là việc Mỹ một ngày nào đó sẽ không thể hoặc không muốn bảo vệ Nhật Bản.

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiều lần công khai nói rằng, một Trung Quốc tham vọng và một CHDCND Triều Tiên dễ thay đổi là những mối lo ngại an ninh hàng đầu của họ. Tuy nhiên, một mối lo ngại khác không được nói ra là việc Mỹ một ngày nào đó sẽ không thể hoặc không muốn bảo vệ Nhật Bản.

Theo Reuters, những cuộc phỏng vấn với một số cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe, nhiều chính trị gia và chuyên gia an ninh cho thấy điều đó. Đây là một trong những động lực để ông Abe tích cực tăng cường lực lượng không quân và hải quân, đồng thời nới lỏng giới hạn trong hiến pháp đối với những điều mà quân đội nước này có thể làm ở nước ngoài.

Nâng cao năng lực tấn công phủ đầu

Người Nhật đang lo lắng về mối quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ sau vài năm đối thủ của họ ở châu Á là Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số. Trong khi đó, một Triều Tiên khó đoán, sở hữu tên lửa có thể tấn công Nhật Bản, đang hăng hái triển khai các chương trình tên lửa và hạt nhân, bất chấp cấm vận quốc tế. 

“Nếu bạn là một nhà tư tưởng hoặc nhà hoạch định đồng minh chiến lược, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất”, Reuters trích lời một cựu quan chức ngoại giao thân cận với Thủ tướng Abe.

Các chuyên gia cho rằng, những người có tư tưởng bảo thủ như ông Abe thường muốn được tự chủ nhiều hơn trong quan hệ đồng minh với Washington, cho dù ít ai nghĩ rằng Nhật Bản (nơi đang có gần 50.000 lính Mỹ đồn trú) sẽ hành động đơn phương. “Quan hệ Mỹ - Nhật là quan hệ đồng minh quan trọng nhất, và điều đó sẽ không thay đổi. Nhưng Nhật Bản sẽ trưởng thành hơn, trở thành một quốc gia bình thường”, ông Yosuke Isozaki, một cố vấn an ninh quốc gia của ông Abe, nói.

Nhật Bản thậm chí đã bắt đầu nghiên cứu khả năng tăng cường năng lực tấn công phủ đầu vào căn cứ kẻ thù, cho dù bước đi tốn kém và gây tranh cãi đó khó có khả năng sẽ sớm được hiện thực hóa. Bên cạnh việc tự nâng cao năng lực cho mình, Nhật Bản còn tìm cách củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc, thậm chí cả Nga. 

Washington vẫn nhiều lần tái khẳng định với Tokyo rằng, quan hệ đồng minh kéo dài 6 thập kỷ qua là cực kỳ vững chắc. Dù vậy, Tokyo vẫn lo lắng liệu Washington có giữ vững ý chí và đủ tiềm lực để bảo vệ Nhật Bản hay không. Nhiều người Nhật cho rằng, sức mạnh của Mỹ sẽ giảm sút trong dài hạn, trong khi Trung Quốc ngày càng mạnh lên, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng quan trọng.

Kỳ vọng chuyến thăm của ông Obama

Các nhà ngoại giao Nhật kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 4 sẽ làm dịu những lo ngại trên và làm rõ Mỹ đang đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông. Chuyến thăm này là “cơ hội quan trọng để Mỹ thể hiện tầm nhìn về vai trò của họ ở khu vực. Chúng tôi muốn thấy Mỹ làm rõ ai là bạn, là đồng minh, kẻ gây rối”, Đại sứ Nhật Bản tại Washington Kenichiro Sasae phát biểu tại một hội thảo gần đây.

Hai nước đồng minh bắt đầu sửa hướng dẫn hợp tác quốc phòng và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Washington lâu nay thúc giục Tokyo chia sẻ nhiều hơn gánh nặng an ninh song phương, và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản giờ đây hy vọng rằng, việc này sẽ giúp kéo Mỹ về phía họ. Tuy nhiên, việc Nhật Bản có thể cải thiện vai trò của mình lên mức độ nào phụ thuộc việc liệu ông Abe có thể chấm dứt luật hạn chế vai trò của quân đội hay trợ giúp quân sự trong trường hợp bị tấn công.

Một số nhà cố vấn cho rằng, quân đội Nhật Bản nên dựa vào sự giúp đỡ không chỉ của Mỹ mà cả những nước chia sẻ lợi ích chiến lược với Tokyo. Nhật Bản vẫn dựa hoàn toàn vào năng lực phòng ngừa từ Mỹ khi các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên đang lớn dần. “Nếu nghĩ về việc điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ rút đi, chúng tôi phải đạt được năng lực phản ứng, vì chúng tôi không thể ngồi im chờ chết”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel hôm 4/2 khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy “hợp tác chiến lược” ở Đông Á, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ Nhật-Trung vẫn tiếp diễn và Nhật Bản nỗ lực thay đổi lịch sử chiến tranh.

Ông Russel mô tả “sự tham gia bền vững và mạnh mẽ của Mỹ” vào khu vực là “nhân tố ổn định quan trọng”, thông qua sự hiện diện quân sự, tham gia tích cực vào các tổ chức đa phương, quan hệ song phương “mạnh mẽ” với tất cả các nước trong khu vực.

Quan chức này kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản “cùng làm việc vì không nước nào hưởng lợi từ căng thẳng”.

Theo tổng hợp
MỚI - NÓNG