Nhật Bản sẽ lập đơn vị đặc biệt bảo vệ Senkaku

Nhật Bản sẽ lập đơn vị đặc biệt bảo vệ Senkaku
TP - Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản sẽ thành lập một đơn vị 600 quân chuyên bảo vệ lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi ba tàu chiến Trung Quốc có thể sắp đi qua vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông.

> Nhật Bản tăng tàu tới Senkaku/Điếu Ngư
> Nhật Bản thành lập ‘đơn vị đặc biệt bảo vệ Senkaku’

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng có kế hoạch triển khai 12 tàu tuần tra mới trong khu vực quanh Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, nhằm xử lý tốt hơn những vụ tàu thuyền Trung Quốc đi vào vùng biển của Nhật Bản.

Ngày 30-1, lần đầu tiên trong chín ngày qua, ba tàu hải giám Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản quanh Senkaku/Điếu Ngư, JCG thông báo.

Hôm qua, tại cuộc họp báo ở Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản nói rằng việc ba tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Nhật Bản là “vô cùng đáng tiếc” và nước ông sẽ “nỗ lực hết sức để thực hiện các hoạt động cảnh báo cũng như giám sát”.

Thông qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản bày tỏ phản đối việc xâm nhập, nhưng phía Trung Quốc nói không chấp nhận sự phản đối của Nhật Bản.

Nhật - Ấn nhất trí đẩy mạnh tập trận hải quân chung

Ngày 29-1 tại Ấn Độ, trong cuộc đối thoại đầu tiên về hàng hải giữa Nhật Bản và Ấn Độ, hai bên quyết định tiến hành thêm các cuộc tập trận hải quân chung, trong bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục có hành động gây hấn trên biển Đông và biển Hoa Đông. Nhật Bản và Trung Quốc đều ủng hộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Để đảm bảo an ninh xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, JCG dự định tăng cường hệ thống thiết bị và nhân lực tại trụ sở khu vực 11. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển khu vực 11 hiện chỉ có 3 tàu trọng tải lớn (1.000 tấn trở lên).

JCG đã gửi một số tàu tuần tra từ các khu vực khác của Nhật Bản tới khu vực 11, nhưng việc này gây ra một số vấn đề, như thiếu tàu tập trận, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

JCG đã bắt đầu đóng bốn tàu tuần tra trọng tải 1.000 tấn, sử dụng quỹ dự phòng dành cho năm tài khóa 2013.

Kinh phí đóng thêm sáu tàu tương tự được lấy từ ngân sách bổ sung mà chính phủ thông qua hôm 15-1.

JCG còn có kế hoạch triển khai thêm hai tàu tuần tra lớn có máy bay trực thăng (PLH), bằng cách tân trang tàu cũ.

Do mỗi tàu 1.000 tấn cần thủy thủ đoàn khoảng 40 người, nên JCG dự định xin tăng 500 thành viên trong hai năm tài khóa 2014-2015, khi 10 tàu tuần tra mới được hoàn thiện.

Cùng với lực lượng trên các tàu PLH, đơn vị chuyên bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư sẽ có khoảng 600 quân. Để tăng hiệu quả hoạt động của các tàu, JCG có kế hoạch đưa ra hệ thống luân chuyển thành viên thủy thủ đoàn.

JCG dự định phát triển năng lực của cảng Ishigaki, căn cứ gần Senkaku/Điếu Ngư nhất, để khoảng năm tàu tuần tra cỡ lớn có thể neo đậu tại đó. Hiện nay, cảng Ishigaki chỉ có thể để hai tàu lớn neo đậu.

Trung Quốc sẽ tập trận ngoài khơi

Ngày 30-1, ba tàu chiến hiện đại của Trung Quốc rời cảng nước này ra vùng biển Tây Thái Bình Dương để tập trận, và đội tàu này có thể sẽ đi qua các vùng tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Hôm qua, Xinhua đưa tin cuộc diễn tập là thường kỳ, nhưng nó diễn ra đúng thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản cùng một số nước Đông Nam Á, vì tranh chấp chủ quyền biển đảo.

“Đội tàu chiến sẽ thực hiện hơn 20 bài tập, bao gồm đối đầu hải quân, đánh trận trên biển, bảo vệ quyền hàng hải, kiểm soát và chỉ huy. Các bài diễn tập ngoài khơi này sẽ diễn ra ở Hoàng Hải, biển Hoa Đông, biển Đông, eo biển Miyako, kênh Bashi và vùng biển phía đông Đài Loan”, Xinhua dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng ưu tiên phát triển hải quân, đặc biệt là cố gắng tăng cường năng lực hoạt động ngoài khơi xa của các hạm đội. Tàu chiến Trung Quốc đã tham gia các nhiệm vụ chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, phát triển vũ khí, khí tài hiện đại như máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay… mà thiếu độ minh bạch khiến các nước láng giềng và Mỹ lo ngại, nhiều nhà phân tích nhận định.

Phương Anh
Theo Yomiuri Shimbun, Kyodo, Xinhua, Times of India

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.