Nhật Bản tăng cường kiểm soát sinh viên Trung Quốc vì lo nguy cơ gián điệp

TPO - So với việc chính quyền Mỹ thu hồi visa cho các sinh viên và nhà nghiên cứu “có nguy cơ cao” vì liên quan đến quân đội Trung Quốc, cách làm của Nhật Bản để đề phòng hoạt động do thám trong các trường đại học diễn ra lặng lẽ hơn. 

Nhật Bản được gọi là “thiên đường do thám” vì không có luật chống gián điệp toàn diện, nhưng giờ cũng đã trở nên thận trọng.

Dần thức tỉnh trước các mối đe dọa an ninh đến từ những tình báo công nghiệp giả dạng sinh viên quốc tế, Nhật Bản đang phát động một cuộc chiến chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc vào các trường đại học đi đầu trong nghiên cứu khoa học để đánh cắp sở hữu trí tuệ, Japan Times đưa tin.

 “Hầu hết sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc đến đây không phải gián điệp mà chính phủ Trung Quốc tuyển dụng. Nhưng không loại trừ khả năng một số người đánh cắp các công nghệ hiện đại”, một cán bộ giấu tên công tác tại Viện Công nghệ Tokyo nói. Đây là trường đại học hàng đầu về khoa học của Nhật Bản.

 Khi chính quyền Mỹ đang tăng cường kiểm soát các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc, các chuyên gia an ninh quan ngại rằng những thành phần có nguy cơ cao bị Mỹ từ chối có thể chuyển sang hoạt động ở Nhật Bản, nơi cũng có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel.

 Theo các chuyên gia, điều tồi tệ hơn là xâm nhập vào Nhật Bản có thể tương đối dễ dàng.

 Khi các trường đại học đang cần thu hút thêm sinh viên quốc tế mới mỗi năm để duy trì uy tín, Nhật Bản bị đánh giá là đang làm ngơ việc rà soát sinh viên.

 Một nỗ lực nhằm chống lại hoạt động gián điệp trong các trường đại học là đề xuất ngân sách của Bộ Ngoại giao Nhật trong năm tài khóa tới, trong đó có một sáng kiến mới trị giá 220 triệu yen nhằm tăng cường kiểm tra hồ sơ sinh viên để ngăn chặn nguy cơ đánh cắp công nghệ.

 Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đề nghị cấp 1,87 tỷ yen cho dự án bắt đầu từ năm tài khóa 2019 để giúp các trường đại học và công ty nhỏ thiết lập khuôn khổ chặt chẽ hơn để quản lý các bí mật thương mại.

 Các cơ sở giáo dục sau đại học cũng có xu hướng trở thành mục tiêu của gián điệp công nghiệp.

 “Khoa học vật liệu trong các trường đại học không phải để phục vụ các mục đích quân sự, nhưng nếu được đưa vào thực tế, chúng có thể bị quân sự hóa. Các trường đại học phải quản chặt chẽ công nghệ của họ”, cán bộ của Viện Công nghệ Tokyo nói.

Theo theo Japan Times
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.