Nhật Bản trả đũa ngành thép của Mỹ

Nhật Bản trả đũa ngành thép của Mỹ
Ngày 1/8, Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ra quyết định trừng phạt ngành thép Hoa Kỳ bằng cách áp mức thuế  tăng 15% đối với thép nhập khẩu từ Mỹ. Quyết định này sẽ tự động có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/9/2005.

Hành động trả đũa Mỹ của Chính phủ Nhật Bản trong buôn bán hàng thép làm cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã nóng nay càng trở nên sôi sục hơn.

Với đòn trả đũa này, mỗi năm Mỹ thiệt hại 51 triệu USD.

Các mặt hàng của Mỹ bị Nhật Bản lựa chọn áp thuế nhập khẩu cao lần này gồm vòng bi, phụ tùng máy bay, và các vật dụng, thiết bị khác được sản xuất từ thép.

Cuộc tranh chấp mậu dịch giữa Nhật Bản và Mỹ đối với mặt hàng thép trở nên quyết liệt từ năm 2000. Khi đó Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật chống bán phá giá sản phẩm thép tại Mỹ (còn được gọi là bản sửa đổi Byrd) do Thượng nghị sĩ  Robert Byrd (Tây Virginia) soạn thảo. Luật Byrd trên thực tế là một luật chống bán phá giá các mặt hàng thép nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản, Brazil, Canada...

Kết quả là các mặt hàng thép cuộn, thép lá nhập khẩu từ Nhật Bản, EU và  6 quốc gia khác bị áp mức thuế rất cao. Chính phủ Mỹ sẽ trực tiếp thu khoản tiền tăng thêm do áp mức thuế nhập khẩu mới này sau đó chuyển lại cho các Cty thép Hoa Kỳ.

Cuộc tranh cãi giữa một bên là Mỹ với bên kia là EU, Nhật Bản và  6 quốc gia khác được đưa ra hội đồng trọng tài Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xét xử.

Năm 2003 WTO đã phán quyết rằng việc Mỹ bảo hộ mậu dịch hàng thép trong nước theo luật Byrd là bất hợp pháp. Theo đó, Nhật Bản và EU có quyền lựa chọn các biện pháp trả đũa hành động nói trên của Mỹ trị giá tổng cộng của mỗi bên lên đến 150 triệu USD/năm. EU và Canada đã áp mức thuế trả đũa hàng thép nhập từ Mỹ bắt đầu từ 1/5/2005 khiến phía Mỹ bị thiệt hàng chục triệu USD.

Nhật Bản trả đũa ngành thép của Mỹ ảnh 1
Thượng nghị sĩ Robert Byrd, tác giả của luật chống bán phá giá hàng thép vào Mỹ

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp Nhật Bản Shoichi Nakagawa cho rằng Tokyo không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả đũa Mỹ bằng cách áp thuế cao đối với một số mặt hàng có thép nhập từ Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Shoichi Nakagawa cho rằng hành động này của Nhật Bản được đưa ra sau khi phía Mỹ không tỏ ra dấu hiệu gì là sẽ xem xét lại các kiến nghị của các Cty Nhật trước khi kết thúc năm tài chính Mỹ vào ngày 30/9 tới. Phía Tokyo cho biết Nhật Bản sẽ không áp dụng biện pháp trả đũa nói trên nếu phía Mỹ thôi áp dụng luật sửa đổi Byrd vào đầu tháng 9 tới.

Thứ trưởng Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp Nhật Bản Hideji Sugiyama hôm 1/8 nói với các phóng viên ở Tokyo rằng hành động trả đũa của Nhật Bản là hợp pháp và được WTO cho phép. Ông cho biết đây là điều cực chẳng đã sau khi đã nhiều lần phía Nhật Bản đề nghị Mỹ xét lại việc áp dụng luật Byrd nhưng đều bị Washington khước từ. Thứ trưởng Hideji Sugiyama cho biết, Tokyo vẫn hy vọng Mỹ sẽ xem xét đòn trả đũa này của Nhật Bản một cách nghiêm túc sau đó nhanh chóng rút lại việc áp dụng luật Byrd.

Mặc dù cuộc chiến thương mại đối với mặt hàng thép giữa Nhật Bản và Mỹ đang quyết liệt, quan hệ ngoại giao và chính trị giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.