Nhật bắt tay Úc, hòa Nga, “đấu” Trung

Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ký hiệp ước tự do thương mại song phương và một thỏa thuận về hợp tác an ninh. Ảnh: ĐSPL
Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ký hiệp ước tự do thương mại song phương và một thỏa thuận về hợp tác an ninh. Ảnh: ĐSPL
TP - Hôm nay (11/6), hội nghị Nhật-Úc 2+2 lần thứ 5 sẽ diễn ra tại Tokyo. Theo các nhà phân tích, cuộc gặp cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước đồng minh của Mỹ được xem là để củng cố hợp tác quân sự song phương, là cơ chế nền tảng an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối phó nguy cơ từ Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, vấn đề hợp tác công nghệ tàu ngầm sẽ là trọng tâm các cuộc thảo luận song phương Nhật-Úc. Hai bên sẽ thảo luận khả năng Nhật Bản chuyển giao công nghệ tàu ngầm cho Úc trong bối cảnh Úc đang có kế hoạch thay thế toàn bộ lực lượng tàu ngầm đã già cỗi, với kinh phí lên tới 37 tỷ USD.

Úc đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với các tàu ngầm thông thường lớp Soryu tối tân do Nhật Bản chế tạo. Hiện vẫn chưa rõ Úc quyết định sẽ mua công nghệ quân sự hay đặt Nhật Bản chế tạo toàn bộ đội tàu ngầm. Nhưng khi lực lượng hải quân hai bên sử dụng cùng chủng loại vũ khí, dĩ nhiên hai nước sẽ liên kết với nhau lâu dài, quân đội Nhật Bản và Úc bắt buộc phải chia sẻ kỹ năng, kiến thức, các nhà phân tích nhận định.

Tháng 4, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký hiệp ước tự do thương mại song phương và một thỏa thuận về hợp tác an ninh. Giờ đây, hành động hung hăng của Trung Quốc đã thúc đẩy hai nước Úc và Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự với nhau.

Ba ngày trước khi đón tiếp phái đoàn Úc tới dự hội nghị 2+2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh nhu cầu thành lập nhiều hiệp định khung bảo đảm an ninh khu vực quy tụ bốn nước chủ chốt gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.

Song song với việc tăng cường hợp tác quân sự với Úc, Nhật Bản cũng đang tích cực xúc tiến cải thiện quan hệ với Nga. Trả lời phỏng vấn báo Mỹ Wall Street Journal mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết có thể tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm ngay trong năm nay.

Trong khi ông Abe sang Brussels (Bỉ) tham dự Thượng đỉnh G7, Phó Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Masahiko Komura gặp Chủ tịch Hạ viện Nga Sergey Naryshkin tại Tokyo. Đáng nói, ông Naryshkin nằm trong danh sách bị Mỹ và một số nước châu Âu áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Naryshkin cũng đã gặp Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Masaaki Yamazaki. Động thái trên cho thấy Nhật Bản mặc dù ủng hộ Mỹ và Liên minh châu Âu trừng phạt Nga, nhưng vẫn không đóng tất cả mọi cánh cửa với Nga, các nhà phân tích nhận định.

Mới đây, Tổng thống Nga Putin cũng tuyên bố Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Nhật Bản về vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Dấu hiệu tan băng quan hệ Nga-Nhật ngày càng rõ.

Tháng 11/2013, Nhật Bản và Nga tổ chức hội nghị 2+2 đầu tiên tại Tokyo giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng - một cơ chế Nhật Bản vốn chỉ áp dụng với các đồng minh như Mỹ, Úc.

Hai quốc gia đã nhất trí mở rộng hợp tác song phương về vấn đề an ninh, trong đó có cả tập trận chung chống khủng bố và cướp biển, đồng thời khởi động các cuộc đàm phán an ninh mạng.

MỚI - NÓNG