Nhật cũng muốn nhập khí đốt Nga

Nhật hiện là nước tiêu thụ khí đốt hoá lỏng nhiều nhất thế giới
Nhật hiện là nước tiêu thụ khí đốt hoá lỏng nhiều nhất thế giới
TP - Tiếp theo việc Trung Quốc ký siêu hiệp ước về khí đốt với Nga, Nhật cũng tỏ ý mong muốn nhập khí đốt từ Nga.

Theo tin của Hãng Thông tấn Mỹ Bloomberg, một nhóm nghị sĩ Nhật đang chuẩn bị đệ trình lên Thủ tướng Shinzo Abe bản đề án xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối liền đảo Sakhalin của Nga với Nhật. Họ hy vọng đề án đó sẽ được Thủ tướng Abe thảo luận với Tổng thống Nga Putin khi ông đến thăm Nhật vào mùa thu năm nay.

Nhóm nghị sĩ nói trên mới được thành lập hồi tháng 5 vừa qua nhằm vận động cho việc thiết lập đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Nhật. Theo tính toán của nhóm nghị sĩ này, đề án sẽ có phí tổn khoảng 600 tỷ yen (tương đương gần 6 tỷ USD) và sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm. 

Dự kiến đường ống dẫn khí đốt sẽ có chiều dài 1.350 km, xuất phát từ khu vực cực nam đảo Sakhalin rồi chạy theo đáy biển đến đảo Hokkaido của Nhật. Tiếp đấy, đường ống sẽ chạy tiếp trên đất Nhật đến thành phố Hitachi cách thủ đô Tokyo chừng 150 km.

 Thực ra, những đề án như vậy được đề xuất và thảo luận từ gần 10 năm trước nhưng hồi đó không thu hút được sự quan tâm của các công ty năng lượng Nhật. 

Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2011, khi tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Nhật phải ngừng hoạt động, Nhật đã phải tăng mạnh việc nhập khí đốt thiên nhiên hoá lỏng và hiện nay trở thành nước nhập khí đốt hoá lỏng lớn nhất thế giới.

Theo tính toán của nhóm nghị sĩ nói trên, giá khí chạy theo đường ống sẽ rẻ hơn nhiều (tối thiểu chỉ bằng một nửa) so với khí đốt hoá lỏng. Một khi đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Nhật được hoàn thành, Nhật mỗi năm sẽ nhận được gần 20 tỷ m3 khí đốt (bằng 1.500 tấn khí đốt thiên nhiên hoá lỏng), chiếm 20% nhu cầu hằng năm của đất nước Mặt Trời Mọc. Và khoản tiền tiết kiệm được không phải ít. Theo các tác giả bản đề án đó, việc này cũng sẽ có lợi cho cả phía Nga.

Tuy nhiên, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga không tỏ ra mặn mà với đề án trên. Đại diện của Gazprom coi đề án đó là không hợp lý và không khả thi. 

Trước hết là về mặt kỹ thuật. Nhật nằm trong khu vực thường xảy ra động đất nên việc xây dựng đường ống dẫn chạy ngầm dưới đáy biển chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn. 

Hơn thế nữa, xét về mặt chính trị, Nga và Nhật chưa phải là những đối tác có độ tin cậy cao với nhau.  Bảy chục năm nay đã trôi qua kể từ sau Thế chiến thứ hai nhưng cho tới nay hai bên vẫn chưa ký được hoà ước vì chuyện tranh chấp quần đảo Nam Kuril. Đấy là chưa kể vừa qua, Nhật đã cùng Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga vì tình hình Ukraine.

Các nhà phân tích hy vọng cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga và Nhật vào mùa thu năm nay sẽ không chỉ thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà còn đề cập đến cả đề án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Nhật.

Theo Moskovski komsomoles
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.