Nhật, Mỹ 'liên thủ' ở Thái Bình Dương

Tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tham dự tập trận Keen Sword ở Tây Thái Bình Dương Ảnh: Reuters
Tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tham dự tập trận Keen Sword ở Tây Thái Bình Dương Ảnh: Reuters
TP - Nhật Bản và Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận được nói là lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản mang tên Keen Sword (Kiếm sắc), huy động tới 57.000 binh lính. Đôi bên cũng lên kế hoạch hành động trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa từ Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku đang tranh chấp (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), theo tường thuật của tờ Japan Times.

Hiện tại, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đang có mặt tại Tây Thái Bình Dương, tham gia đội hình cùng các tàu khu trục Nhật Bản và Canada.
Keen Sword diễn ra hai năm/lần nhưng ở đợt tập trận này, quân số tham gia đã tăng thêm 11.000 người so với năm 2016. Nội dung tập trận là các cuộc không chiến giả tưởng, đổ bộ đường biển, phòng thủ tên lửa đạn đạo. Lần này, Nhật cử tới 47.000  binh lính, tức là 1/5 quân đội.
Tám tàu chiến đã cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan luyện tập chống ngầm ở vùng biển mà cả Tokyo lẫn Washington cùng e ngại sẽ ngày càng rơi vào tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
“Liên minh Mỹ-Nhật rất cần thiết cho sự ổn định của khu vực và rộng hơn là cả vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương”, chuẩn đô đốc Hiroshi Egawa, chỉ huy lực lượng Nhật Bản nói với Reuters trên tàu USS Ronald Reagan.
Thường xuyên trú đóng ở Yokosuka gần Tokyo, USS Ronald Reagan là tàu chiến Mỹ lớn nhất ở châu Á với thủy thủ đoàn 5.000 người. Tàu mang theo 90 tiêm kích F-18 Super Hornet.
Ngoài một khinh hạm, Canada còn phái thêm một tàu vận tải quân sự tham gia Keen Sword.Tuy viên quân sự Canada tại Nhật Bản Hugues Canuel nói tham gia cuộc tập trận này, Canada muốn bày tỏ ý muốn hiện diện quân sự tại châu Á.
Nhưng họ không phải là quốc gia phương Tây duy nhất (ngoài Mỹ) muốn giữ vai trò lớn hơn về an ninh ở khu vực này. Anh và Pháp trong thời gian gần đây cùng phái tàu chiến đến trong lúc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở biển Đông và rộng hơn là cả khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi có tuyến hải lộ huyết mạch về thương mại đối với cả Trung Quốc lẫn Mỹ, Nhật…
Trước đó, Nhật Bản cử chiến hạm lớn nhất của mình, tàu trực thăng Kaga,thực hiện chuyến hải hành trong hai tháng vòng quanh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tàu đã ghé thăm Philippines, Indonesia, Sri Lanka, India và Singapore.
Các thách thức đối với an ninh châu Á, trong đó có vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên nổi lên trong lúc Nhật Bản đang tỏ ra sẵn sàng thay đổi chính sách ngoại giao khu vực, chủ động hơn trong việc thể hiện sức mạnh quân sự.
Trong chuyến hải hành dài ngày, tàu Kaga và hai tàu hộ tống đã cùng tiến hành tập trận với một tàu ngầm Nhật Bản trên biển Đông. Cùng lúc đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới thăm Bắc Kinh, chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Nhật tới Trung Quốc trong vòng 7 năm. Ông Abe đã nói với lãnh đạo Trung Quốc rằng hai nước chia sẻ trách nhiệm về an ninh khu vực, bao gồm cả việc xử lý vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là mối nguy tiềm tàng lớn hơn cả Triều Tiên khi Bắc Kinh đang tiếp tục tăng cường kiểm soát biển Đông, can dự sâu hơn vào Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo Reuters, trong năm nay, Bắc Kinh đã lên kế hoạch chi 160 tỷ USD cho quân đội, gấp hơn ba lần so với Nhật Bản.
Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về phương án đáp trả trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không người ở trên biển Hoa Đông. Một bản kế hoạch chi tiết sẽ được hoàn tất trong tháng Ba tới, một nguồn tin chính phủ nói với Kyodo.
Theo nguồn tin, kế hoạch bao gồm các phương án xử lý các tình huống khẩn cấp, ví dụ khi ngư dân có vũ trang của Trung Quốc đổ bộ lên đảo, và khi quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản  (SDF) được huy động, trong tình huống vượt quá khả năng xử lý của cảnh sát biển Nhật Bản.
Nguồn tin cũng nói SDF cũng đã tự lên phương án xử lý đối với các nguy cơ kể trên.  Nội dung chính của cuộc thảo luận Nhật-Mỹ là phối hợp sức mạnh của quân đội Mỹ và lực lượng Nhật Bản trong các phương án như thế nào.
Nhật và Mỹ cũng đã lập kế hoạch xử lý trong trường hợp bán đảo Triều Tiên xuất hiện tình trạng khẩn cấp.

MỚI - NÓNG