Nhật, Mỹ sửa hướng dẫn hợp tác quốc phòng

Nhật, Mỹ sửa hướng dẫn hợp tác quốc phòng
TP - Ngày 17-1 tại Tokyo, các quan chức ngoại giao, quốc phòng Nhật Bản và Mỹ bắt đầu phiên hội đàm chính thức về việc sửa lại hướng dẫn hợp tác quốc phòng, với trọng tâm được dự đoán là thúc đẩy hợp tác giám sát, kiểm soát giữa các đồng minh quân sự, trong bối cảnh Trung Quốc sắp tăng cường hiện diện trên vùng biển khu vực.

> Mỹ ráo riết tăng cường quân sự ở châu Á
> Thủ tướng Nhật hé lộ ‘khối kim cương’ kiềm tỏa Trung Quốc trên biển

Dọn đường tăng cường lực lượng phòng vệ

Việc sửa đổi hướng dẫn hợp tác quốc phòng có khả năng sẽ cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Điều này đang bị cấm theo Hiến pháp Nhật Bản, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách thay đổi.

Nhật Bản và Mỹ cũng hy vọng sẽ tăng cường quan hệ đồng minh tại những khu vực không bao quanh Nhật Bản, như các sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc tại nhiều khu vực trên thế giới, chống cướp biển, chống khủng bố…

Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật được đưa ra năm 1978, vào thời gian đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Hướng dẫn song phương hiện nay được áp dụng từ năm 1997 nhằm vào vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Hướng dẫn này phân chia hợp tác quân sự song phương thành ba lĩnh vực: trong điều kiện bình thường, trong tình huống Nhật Bản bị tấn công vũ trang, và trong những vụ việc bất ngờ ở khu vực giáp Nhật Bản.

Văn bản này đặc biệt tập trung vào sự phân chia lực lượng hai nước trong tình huống thứ hai và thứ ba, và cũng là tình huống dễ có khả năng xảy ra.

Trong phiên thảo luận hôm 17-1, các quan chức Mỹ, Nhật Bản tập trung vấn đề thu thập tin tức tình báo, hoạt động giám sát, do thám trong điều kiện bình thường và bất thường.

Những nỗ lực này phản ánh mối quan tâm đối với hành động của Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và chương trình phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên, vốn bị coi là vỏ bọc của cuộc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.

Theo một quan chức quốc phòng cao cấp của Nhật Bản, những cuộc bàn thảo nói trên có thể dẫn đến việc Nhật Bản tăng cường vai trò của các lực lượng phòng vệ nước này. Việc sửa đổi sẽ mất 1-2 năm để hoàn tất.

Tân Thủ tướng Shinzo Abe đang thể hiện nỗ lực rõ ràng nhằm tăng ngân sách cho quân đội và mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ ở nước ngoài.

Thăm Thái Lan để thúc đẩy hợp tác kinh tế

Ngày 17-1 tại Bangkok, tại cuộc họp báo chung sau buổi hội đàm với nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “Chúng tôi nhất trí làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và trao đổi song phương. Nhật Bản, Thái Lan nhất trí hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực vì “môi trường chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi rất nhiều”, ông Abe nói.

Thủ tướng Abe hôm qua tới thăm Thái Lan, một phần của chuyến công du ba nước Đông Nam Á nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất của thế giới và cũng nhằm đối phó Trung Quốc, theo nhiều quan chức và nhà phân tích.

“Trung Quốc xây dựng quân đội vững mạnh để làm gì? Chúng tôi chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng đe dọa hay áp bức các nước khác không phải ý tưởng tốt”, ông Yutaka Yokoi, quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản phát biểu hôm qua tại Bangkok.

Chuyến đi của ông Abe tới Thái Lan là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản tới nước này trong 11 năm qua, và diễn ra trong thời điểm nhiều công ty Nhật Bản đang tìm cách chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản giải quyết căng thẳng quanh Điếu Ngư/Senkaku

Ngày 17-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi Nhật Bản nỗ lực hơn nữa và triển khai các biện pháp hiệu quả để giải quyết căng thẳng quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và cải thiện quan hệ song phương.

Trung Quốc thúc giục chính phủ Nhật Bản thừa nhận sự thực lịch sử, giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán và đối thoại.

Trung Quốc đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với Nhật Bản, và hy vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược, người phát ngôn Trung Quốc nói.

Ngày 16-1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo bộ này sẽ yêu cầu được cấp ngân sách để nghiên cứu ý tưởng đặt các trạm radar di động và hệ thống thông tin lên lạc trên các đảo gần Senkaku/Điếu Ngư.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản phủ nhận thông tin nước này đang xem xét triển khai thường trực các máy bay F-15 tại Shimoji, một đảo nhỏ gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Gia Tùng
Theo Kyodo, Yonhap, Xinhua, AP, The Nation

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.