Trung Quốc - Philippines:

Nhất trí thảo luận song phương về tranh chấp trên biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm tại Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm tại Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua.
TP - Hôm qua, lãnh đạo Trung Quốc và Philippines nhất trí về một cơ chế song phương để thảo luận các tranh chấp trên biển Đông. Một học giả Việt Nam nhận định, cách làm hiện nay của hai nước khiến khu vực và Mỹ thực sự bất ngờ.

Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines  Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Hai bên nhất trí “khôi phục hoàn toàn” quan hệ bị ảnh hưởng bởi vấn đề biển Đông, báo chí Trung Quốc và Philippines đưa tin ngày 21/10.

Nội dung cơ chế song phương

“Hai bên đồng ý tiếp tục thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin… và sẽ kiềm chế thực hiện các hoạt động trên biển Đông có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp”, Tuyên bố viết. Các tranh chấp sẽ được giải quyết “thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp”.

Theo Tuyên bố, cơ chế song phương giữa Trung Quốc và Philippines sẽ bổ sung cho các cơ chế hiện nay. Cơ chế song phương bao gồm trao đổi định kỳ về sự quan tâm của mỗi bên đối với biển Đông, và hai nước sẽ xây dựng lòng tin, tăng cường tin cậy và kiềm chế hoạt động ở các vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh và Manila nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.

Hai bên cũng cam kết tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông và nỗ lực đạt được Bộ quy tắc ứng xử càng sớm càng tốt. Lực lượng cảnh sát biển của hai nước sẽ hợp tác để xử lý các vấn đề nhân đạo, môi trường và tình huống khẩn cấp trên biển Đông, Tuyên bố viết.

Bắc Kinh thể hiện sự ủng hộ đối với chiến dịch truy quét ma túy bất hợp pháp của Tổng thống Duterte và hứa sẽ hỗ trợ ông. Hai bên cũng nhất trí thực hiện hàng loạt thỏa thuận kinh tế liên quan xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính, nông nghiệp, du lịch…

Tác động khu vực

Ngày 21/10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, cho rằng, Trung Quốc và Philippines nhất trí lập cơ chế song phương để giải quyết tranh chấp trên biển Đông là việc bình thường, nhưng đến hơi sớm. Ông cho rằng, sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, quan hệ hai bên còn căng thẳng một thời gian, sau đó mới mặc cả, đàm phán rồi mới đi đến giai đoạn này. Cách họ trở lại đàm phán có vẻ như Philippines nhượng bộ hơi nhiều. “Tôi dùng từ ‘có vẻ như’ vì tôi chưa có hết thông tin mà chỉ theo dõi dư luận quốc tế, không biết đằng sau, hai bên trao đổi, mặc cả những gì. Nghe thông tin bên ngoài thì dường như Philippines đã hạ thấp vấn đề biển Đông để nối lại đàm phán nhằm ổn định tình hình”, TS Thái nói.

TS Thái cho rằng, việc Trung Quốc và Philippines nhất trí đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp trên biển Đông sẽ đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường, tránh cho Philippines những đòn trả đũa của Trung Quốc. “Nhưng điều đó nói lên rằng, đến ngay bên khởi xướng vụ kiện cũng bắt đầu có cách chơi khác, khiến các nước liên quan phải tính toán rất thận trọng”, ông Thái nói.

Về khả năng Philippines nhượng bộ Trung Quốc vì lý do kinh tế, TS Thái cho rằng, chưa thể khẳng định đó là sự nhượng bộ. Theo ông, có khi lãnh đạo Philippines không nhượng bộ mà có cách làm khác. TS Thái cho biết, ông theo dõi rất kỹ câu chuyện giữa Philippines và Trung Quốc nhưng chưa biết khi nào hai nước sẽ nối lại đàm phán và chưa biết chủ đề trọng tâm sẽ được bàn tới là gì. Vì thế, chưa thể khẳng định Manila nhượng bộ, thỏa hiệp hay đánh đổi lợi ích của nước khác. Nhưng ông cho rằng, cách làm như vậy của Philippines và Trung Quốc là khác thường.

“Hiếm có lãnh đạo nào thổi vấn đề lên rất sốc, rồi đột ngột đổi hướng, đột ngột đàm phán, nên chưa thể hiểu câu chuyện thực sự đằng sau là gì. Vì thế, cần thận trọng khi nói đến chuyện tác động đến Việt Nam như thế nào. Nhưng rõ ràng, cách thức hành động như vậy làm cho Mỹ và khu vực bất ngờ, khó dự liệu”, ông Thái nói.

TS Thái cho rằng, nếu Philippines thực sự nhượng bộ và bắt tay với Trung Quốc thì sẽ là đòn giáng rất mạnh vào Mỹ và chính sách xoay trục của Mỹ. Nhưng còn phải xem kỹ chiến lược của Philippines là gì, có phải họ muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ hay không. Ông cho rằng, Mỹ đang trong giai đoạn bầu cử, nên dù bị sốc và thấy khó hiểu nhưng họ chưa thể đưa ra quyết sách mới mà phải đợi đến khi có tân tổng thống.

Manila sẽ mềm mỏng hơn với Bắc Kinh

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), Philippines sẽ đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc, bắt đầu từ năm nay, ít nhất là trong nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte, và sẽ có những động thái mềm mỏng hơn với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, chủ yếu để đổi lấy những quyền lợi kinh tế. Philippines muốn Trung Quốc tăng đầu tư, cấp vốn cho một số lĩnh vực hạ tầng của Philippines như đường sắt, xây dựng, điện… và tăng cường hợp tác nông nghiệp, du lịch. Tuy nhiên, Philippines không mở rộng hợp tác đến mức liên minh với Trung Quốc về quân sự.

Theo GS Thayer, về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Đông, Philippines sẽ tăng cường tham vấn song phương hữu nghị với Trung Quốc. Ban đầu, trọng tâm thảo luận sẽ là các bước duy trì hiện trạng ở bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây. Theo ông, Philippines và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận là cùng khai thác Scarborough như nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Nhiều khả năng sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte, Trung Quốc sẽ cho phép ngư dân Philippines vào Scarborough để khai thác như trước (trước khi Trung Quốc chiếm bãi cạn từ tay Philippines năm 2012).

Theo ông Thayer, các nước liên quan cần tác động, thúc giục Philippines thúc đẩy các chính sách của ASEAN về vấn đề biển Đông đã được đồng thuận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN hồi tháng 9 ở Lào. Nếu Trung Quốc tiếp tục cải tạo bãi cạn, xây dựng đảo nhân tạo, làm suy thoái môi trường, đánh bắt trái phép, đưa tàu ra xua đuổi, đâm va tàu cá của nước ngoài, trong đó có Philippines, Philippines cần báo cáo với Tòa Trọng tài và có hành động thích hợp.     

 Thái An

MỚI - NÓNG