Nhiều doanh nghiệp Nhật không muốn ‘thoát’ Trung

Một nhà máy sản xuất ô-tô ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
Một nhà máy sản xuất ô-tô ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
TPO - Chính phủ Nhật đang triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nước này đa đạng hóa chuỗi cung ứng, thoát khỏi tình trạng quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng giới phân tích cho rằng bước đi này sẽ không dẫn đến làn sóng di chuyển ồ ạt xuống Đông Nam Á. 

5 công ty lớn của Nhật cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc vì đây là thị trường vô cùng quan trọng và việc chuyển nhà xưởng khỏi Trung Quốc vào thời điểm này sẽ vô cùng tốn kém và gây gián đoạn không cần thiết. 

“Toyota không có kế hoạch thay đổi chiến lược ở Trung Quốc hay châu Á do tình hình hiện nay”, hãng ô-tô Nhật Bản cho biết trong một thông cáo. “Ngành ô-tô sử dụng rất nhiều nhà cung cấp và hoạt động trong một chuỗi cung ứng rộng khắp, nên khó có thể điều chỉnh ngay. Chúng tôi hiểu quan điểm của chính phủ, nhưng chúng tôi không có kế hoạch thay đổi sản xuất”, Toyota khẳng định. 

Nhà cung cấp vật liệu xây dựng và đồ dùng gia đình Lixil Corporation cũng cho biết họ không có kế hoạch đưa sản xuất khỏi Trung Quốc. “Chúng tôi hoạt động  trong một chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt, với hơn 100 cơ sở sản xuất khắp thế giới. Cấu trúc linh hoạt và tích hợp hoàn toàn này cho phép chúng tôi thẩm thấu một số tác động của đại dịch COVID-19”, Lixil nói. 

Một nhà sản xuất khác của Nhật (không muốn nêu tên), cho biết họ sẽ tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc vì “các sản phẩm được thiết kế để bán cho người Trung Quốc” nên việc chuyển đi nơi khác sẽ không có ý nghĩa nhiều trên khía cạnh kinh doanh. 

Trong gói kích thích kinh tế lớn kỷ lục được đưa ra nhằm khắc phục hậu quả của COVID-19, chính phủ Nhật Bản dành 220 tỷ yen (2 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty muốn đưa sản xuất trở về Nhật hoặc xuống Đông Nam Á. 

Bước đi này được thực hiện sau khi các công ty ô-tô và nhà sản xuất khác thiếu thiết bị, linh kiện nhập từ Trung Quốc vì sản xuất bị gián đoạn do COVID-19. Những linh kiện, thiết bị do đối tác Trung Quốc hoặc chi nhánh của công ty Nhật Bản tại Trung Quốc sản xuất được dùng cho chế tạo động cơ, hệ thống điện, nội thất và các phận làm bằng nhựa trong ngành công nghiệp ô-tô. Ngoài xuất khẩu sang Nhật, những sản phẩm này còn được dùng cho các nhà máy ô-tô ở Trung Quốc. 

Nhưng tình trạng thiếu nguồn cung không phải mối lo duy nhất của các công ty Nhật ở Trung Quốc. Họ còn lo về nguy cơ phải trả nhiều tiền thuế hơn do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra còn có vấn đề chi phí lao động tăng và khả năng gia tăng tư tưởng chống Nhật trong dư luận Trung Quốc như từng xuất hiện trước đây. 

Một lo ngại khác là vấn đề đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Nhật, trong khi một số chính phủ lo ngại việc hợp tác với các công ty Trung Quốc có thể gây đe dọa cho an ninh quốc gia. 

Nhưng nhiều nhà phân tích nói rằng các công ty Nhật vẫn thấy nhiều lý do để ở lại Trung Quốc. 
“Những công ty đó sẽ rất thận trọng về điều họ nói ra, dù họ có muốn hay không muốn chuyển đi chỗ khác. Họ muốn giữ quan hệ tốt với chính phủ Trung Quốc”, ông Ivan Tselichtchev, giáo sư công tác tại ĐH Quản lý Niigata, nói. 

Dù họ được chính phủ Nhật hỗ trợ tài chính, việc chuyển sản xuất đến cơ sở mới hay quốc gia mới chắc chắn sẽ rất tốn kém, không chỉ vì chi phí bồi thường cho nhân viên và đối tác kinh doanh nếu công ty chọn cách ra khỏi Trung Quốc, ông Tselichtchev nhận định. 

Ngoài ra, thủ tục giấy tờ liên quan sẽ mất thời gian và tốn kém, trong khi giới chức Trung Quốc sẽ can thiệp để khiến quy trình phức tạp hơn, ông Tselichtchev đánh giá. 

“Các công ty không muốn nói về những vấn đề nhạy cảm như thế này vì nó có thể dẫn đến sự trả đũa của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường có 1,3 tỷ dân, có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới sau khi thế giới thoát khỏi khủng hoảng virus corona và các doanh nghiệp Nhật sẽ không muốn làm điều gì gây khó cho chỗ đứng của mình trên thị trường này”, ông Jun Okumura, một nhà phân tích tại Viện Toàn cầu Minh Trị tại Nhật Bản, nói.

Ông Okumana tin rằng thay đổi lớn nhất sau đại dịch sẽ là việc nhiều công ty chuẩn bị để linh hoạt hơn trong những tình huống thảm họa, ví dụ như xây thêm cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á. 
Các doanh nghiệp Nhật đã có cơ sở sản xuất trên khắp 10 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. 

Năm 2017, những công ty này đầu tư 22 tỷ USD vào Đông Nam Á, trong đó các công ty ô-tô tập trung vào Thái Lan và Indonesia, các công ty máy móc và bán lẻ tập trung vào Việt Nam và Malaysia, các hãng hóa chất, dược phẩm và thiết bị bán dẫn tập trung vào Philippines. 

Ông Tselichtchev nói rằng quy trình đa dạng hóa nguồn cung đã bắt đầu ở một số ngành, chủ yếu do vấn đề gia tăng chi phí nhân công, nhưng ông không cho rằng sẽ xảy ra một cuộc “di cư quy mô lớn” khỏi Trung Quốc do tác động của gói hỗ trợ từ chính phủ Nhật. 

Ông Okumura cũng đồng ý vậy. “Tôi không chắc nỗ lực của chính phủ Nhật sẽ hiệu quả đến đâu. Cả thế giới đều chịu tác động của đại dịch này nên đây không đơn giản là việc đóng một cửa hàng ờ Trung Quốc để chuyển đi chỗ khác”, ông nói. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.