Nhiều động vật bị nghi nhầm là gián điệp

Nhiều động vật bị nghi nhầm là gián điệp
TP - Ai Cập tuần trước giam một con cò trong đồn cảnh sát vì nghi là gián điệp của Pháp. Sau đó, kết quả điều tra cho thấy, thiết bị điện tử trên chân cò thực ra là thẻ theo dõi di trú mà các nhà khoa học Pháp đeo cho chú chim này.

Năm 2011, cơ quan chức năng Ảrập Xêút bắt giữ một con kền kền vì nghi chú chim này đang thực hiện nhiệm vụ do thám trên cao cho cơ quan tình báo Israel Mossad.

Nhiều vụ cá mập tấn công gần khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh giáp Biển Đỏ năm 2010 bị một kênh truyền hình của Ai Cập cho là do Israel gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS vào cá nhằm tấn công ngành du lịch Ai Cập. Năm 2007, quân đội Iran bắt giữ 14 chú sóc gần nhà máy làm giàu nhiên liệu hạt nhân…

Động vật phục vụ trong quân đội ngay từ năm 1908, khi người Đức gắn camera vào chim bồ câu để chụp ảnh từ trên cao. Cục Tình báo Trung ương Mỹ từng cấy thiết bị nghe lén vào một con mèo, nhưng “điệp viên meo meo” này bị ô-tô cán chết khi nó chạy qua Đại sứ quán Liên Xô ở Washington.

Chi phí cho dự án này ước tính lên tới hơn 14 triệu USD. Mỹ còn từng có kế hoạch nhốt nhiều con dơi trong các thiết bị gây cháy cỡ nhỏ để thả xuống Nhật Bản hồi Thế chiến 2, nhằm đốt cháy những ngôi nhà bằng gỗ.

Theo các chuyên gia, điệp viên động vật thành công nhất là cá heo. Mỹ và Nga từng xác nhận sự tồn tại của một số chương trình huấn luyện động vật biển, trong đó cá heo và hải cẩu được dạy cách phát hiện thủy lôi, người nhái… Nhưng giống như lính trẻ, cá heo cũng bị chi phối bởi hoóc-môn nên đôi khi vẫn vắng mặt khi làm nhiệm vụ. Đầu năm nay có báo cáo rằng 3 chú cá heo quân sự của Ukraine trốn ra Biển Đen để tìm bạn tình.

Gia Tùng
Theo BBC, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG