Nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan uy hiếp Mỹ, châu Âu

Phiến quân IS là mục tiêu mới trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Ảnh: Getty Images
Phiến quân IS là mục tiêu mới trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Ảnh: Getty Images
TP - Trong khi Mỹ thực hiện chiến dịch tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), giới chức tình báo và tư pháp cho biết, có những nhóm Hồi giáo cực đoan khác do thân tín của Osama bin Laden lãnh đạo đang đe dọa trực tiếp Mỹ và châu Âu, báo New York Times đưa tin. Một quan chức Mỹ nói rằng, hơn 40 chiến binh IS là công dân Mỹ đã quay về nước.

Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper, nhóm Khorasan có thể gây nguy hiểm cho an ninh nội địa Mỹ tương tự IS. Khorasan năm ngoái nổi lên tại Syria, có ý đồ lớn nhất tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ và các cơ sở của Mỹ ở nước ngoài. 

Nhóm này do Muhsin al-Fadhli, một thủ lĩnh chủ chốt của al-Qaeda rất thân thiết với Bin Laden, cầm đầu. Hắn nằm trong số ít người nắm được kế hoạch vụ khủng bố 11/9 trước khi phát động.

Không có nhiều thông tin về nhóm Khorasan, vốn hoạt động khắp Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi. 

Thành viên nhóm này được cho là đặc biệt quan tâm các âm mưu khủng bố sử dụng chất nổ. Một số quan chức và chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ cho rằng, việc tập trung cao độ vào IS đã làm méo mó bức tranh về nguy cơ khủng bố nổi lên từ sự hỗn loạn của cuộc nội chiến tại Syria. Còn nhiều hiểm họa trực tiếp khác đến từ các nhóm khủng bố truyền thống như Khorasan và Mặt trận Nusra, được xem là chi nhánh của al-Qaeda tại Syria.

Fadhli, 33 tuổi, bị tình báo Mỹ săn lùng ít nhất một thập kỷ qua. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trước khi Fadhli tới Syria, hắn sống tại Iran cùng một nhóm thủ lĩnh al-Qaeda chạy trốn khỏi Afghanistan sau vụ tấn công 11/9.

Chính phủ Iran nói nhóm này sống trong trại giam, nhưng hoàn cảnh chính xác của nhóm đầu lĩnh al-Qaeda gây tranh cãi suốt nhiều năm, một số đã rời khỏi Iran sang Pakistan, Syria và những nước khác. Năm 2012, Mỹ xác định Fadhli là thủ lĩnh al-Qaeda tại Iran. Hắn còn vận động các “nhà tài trợ thánh chiến” ở quê nhà Kuwait để kiếm tiền cho phiến quân tại Syria.

Diệt kẻ này hóa giúp kẻ khác

Trong bài diễn văn tại Brussels (Bỉ) năm 2005, Tổng thống Mỹ George Bush đã nêu tên Fadhli khi cảm ơn các nước châu Âu trợ giúp cuộc chiến chống khủng bố, nêu rõ Fadhli tham gia đánh bom khủng bố một tàu chở dầu của Pháp ngoài khơi Yemen năm 2002, khiến một người chết và tràn 50.000 thùng dầu ra biển. 

Trong khi IS đang tập trung củng cố lãnh thổ chiếm được tại Iraq và Syria, một số ý kiến cảnh báo rằng, chiến dịch quân sự chống IS có thể phản tác dụng nếu nhóm này lên kế hoạch tấn công các mục tiêu phương Tây. Thậm chí có lợi cho các nhóm Hồi giáo cực đoan khác nếu các nhóm ôn hòa không sẵn sàng giành quyền lực.

Hiện khó mà đánh giá mức độ nghiêm trọng và phạm vi của bất cứ âm mưu khủng bố nào do Khorasan, Mặt trận Nusra hay các nhóm cực đoan khác ở Syria đang lên kế hoạch. 

Năm ngoái đã có nhiều trường hợp nhóm Nusra và IS sử dụng người Mỹ gia nhập hàng ngũ để tiến hành các vụ khủng bố ở Syria, kể cả đánh bom tự sát. 

Qua hiện trạng các nhóm phiến quân chiến đấu giành quyền kiểm soát lãnh thổ, Syria đã trở thành miền đất hứa cho các nhóm Hồi giáo cực đoan từ nhiều nước, dùng nước này như một hang ổ để thực hiện các âm mưu tấn công khủng bố.

Thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của al-Qaeda xem Mặt trận Nusra là nhánh chính thức của tổ chức này tại Syria và cắt đứt quan hệ với IS hồi đầu năm nay sau khi IS từ chối tuân lệnh chỉ được chiến đấu tại Iraq. 

Giới chức Mỹ cho rằng, Khorasan là một chi nhánh của Nusra. Nhóm này thoạt đầu chiếm cứ tỉnh miền đông Deir al-Zour của Syria trước khi bị IS đánh bật và duy trì quan hệ tốt với các bộ lạc địa phương hơn IS. Nhóm này sẽ dễ dàng trở lại nếu IS bị xua đuổi bởi các cuộc không kích của Mỹ.

Mặt trận Nusra lại rất trung thành với thủ lĩnh al-Qaeda Zawahiri. Chiến dịch chống khủng bố của Mỹ nhằm tiêu diệt IS rất có thể lại giúp các nhóm Hồi giáo cực đoan chống Mỹ khác trỗi dậy.

Hamza al-Shimali, thủ lĩnh phong trào Hazm được Mỹ hậu thuẫn, cho biết ông ta và đồng minh không tin Nusra. Shimali sợ rằng một ngày nào đó sẽ phải chiến đấu với cả chính quyền Syria, IS và Mặt trận Nusra. 

Tình báo Mỹ ước tính, từ khi nội chiến Syria bùng phát, khoảng 15.000 người nước ngoài (trong đó có hơn 100 người Mỹ và 2.000 người châu Âu) đã sang chiến đấu cùng với các nhóm phiến quân. Giới chức phương Tây rất lo sợ số chiến binh thánh chiến này sẽ đem nguy cơ khủng bố về Mỹ và châu Âu.

Trang tin Wahington Free Beacon dẫn lời nghị sĩ đảng Dân chủ Tim Bishop cảnh báo, hơn 40 công dân Mỹ cấp tiến gia nhập lực lượng phiến quân IS tại Iraq đã quay trở về Mỹ có thể gây nguy cơ khủng bố.

Ông Bishop nói 40 đối tượng này đang bị FBI giám sát. Quan chức Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ và các cơ quan an ninh khác cho biết, họ ngày càng lo lắng rằng, những cá nhân cực đoan thiện cảm với IS có thể một mình tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

Theo New York Times
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.