Nhiều nước châu Âu muốn trừng phạt nặng “khách làng chơi”

Nhiều nước châu Âu muốn trừng phạt nặng “khách làng chơi”
TP - Theo đạo luật ra đời cách đây 9 năm, bán dâm được xem là hợp pháp tại Thụy Điển, nhưng người mua dâm lại bị chỉ trích.  
Nhiều nước châu Âu muốn trừng phạt nặng “khách làng chơi” ảnh 1
Gái điếm ngã giá với khách hàng ngay trên đường phố ở Stockholm (Thụy Điển)

Giờ đây khi Thống đốc New York (Mỹ) Eliot Spitzer tiêu tan sự nghiệp vì gái điếm, một số nước châu Âu khác đang xem xét áp dụng mô hình của Thụy Điển – nơi luật pháp truy tố khách hàng, nhưng xem gái điếm như nạn nhân bị bóc lột.

Các quan chức nói rằng, luật pháp của Thụy Điển giúp giảm nhu cầu gái điếm và thay đổi cách nghĩ về nền công nghiệp tình dục.

“Chúng tôi không có vấn đề với gái điếm mà là với những người đàn ông mua dâm”- Bà Kajsa Wahlberg, quan chức chống buôn người thuộc cảnh sát quốc gia Thụy Điển, cho biết.

Theo bà Kajsa, nhiều quan chức hành pháp và chính trị gia nước ngoài đang đến Thụy Điển để tìm hiểu đạo luật áp dụng từ năm 1999.

Ngày 14/3, bà Kajsa gặp các quan chức cảnh sát đến từ Hà Lan, nơi gái điếm tồn tại hợp pháp, nhưng chính quyền đã cho đóng cửa vài nhà thổ trong chiến dịch truy quét tội phạm có tổ chức tại quận đèn đỏ ở Amsterdam.

Tháng 1 vừa qua, phái đoàn cấp cao của Anh quốc cũng đến để nghiên cứu đạo luật về gái điếm của Thụy Điển. Chính phủ Na Uy có kế hoạch đệ trình Quốc hội đạo luật về gái điếm theo mô hình Thụy Điển sau Lễ Phục sinh.

Theo “Luật mua dâm” của Thụy Điển, khách hàng đi tìm “của lạ” bị phạt tiền, phải ngồi tù tới 6 tháng và còn bị tai tiếng khi danh tính được công bố. Nhiều quan toà Thụy Điển đã bị bắt trong các vụ scandal liên quan đến mãi dâm, bao gồm cả một thẩm phán của Tòa án Tối cao, người bị phạt vào năm 2005 sau  khi thừa nhận đã mua dâm.

Các tú bà, tú ông và chủ nhà thổ cũng bị truy tố. Tuy nhiên, gái điếm không bị trừng phạt vì họ được xem như nạn nhân, bị đối xử như một món hàng.

Bà Kajsa cho biết, đạo luật mới giúp giảm số gái điếm ở Thụy Điển xuống 40%, từ 2.500 gái điếm năm 1998 xuống 1.500 vào năm 2003. Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ trích lại cho rằng, luật này khiến các hoạt động ngầm trong mua bán dâm nảy nở.

Petra Ostergeren, chuyên gia nghiên cứu về gái điếm trong một thập kỷ, nói: “Việc mua dâm thực sự không giảm, nhiều phụ nữ trẻ rao tìm bạn hàng trên mạng internet để có tiền trả học phí đại học”. Trước những lời chỉ trích, Chính phủ Thụy Điển có kế hoạch xem xét lại ảnh hưởng của đạo luật năm 1999 vào năm tới. 

Hầu hết các nước châu Âu không xem mãi dâm là bất hợp pháp, nhưng lại cấm trong việc tổ chức, mối lái và quảng cáo liên quan đến mãi dâm. Tại nước láng giềng Đan Mạch, mãi dâm cũng đã được hợp pháp hóa vào năm 1999 sau 2 thập kỷ “bật đèn xanh”.

Nhà thổ và gái điếm tồn tại hợp pháp ở Hà Lan, Đức từ lâu. Nhà thổ tại những nước này được cấp giấy phép kinh doanh, gái điếm có giấy phép hành nghề, được kiểm tra y tế định kỳ và cũng phải đóng thuế cho nhà nước.

Tại Đức hiện có khoảng 400.000 phụ nữ làm việc hợp pháp trong ngành công nghiệp tình dục. Năm 2006, khi World Cup diễn ra tại Đức, đội quân này thậm chí còn được tăng cường và chuẩn bị tốt nhất để phục vụ khách nước ngoài có nhu cầu.

Theo các chuyên gia, tại các nước châu Âu xem mãi dâm là hợp pháp như Đức, Hàn Lan, Hi Lạp, Thụy Điển..., đội quân gái điếm hoạt động bất hợp pháp luôn hùng hậu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, bệnh tật và các vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh từ đội quân gái điếm không đăng ký, không được kiểm tra sức khoẻ định kỳ.  

D.H
Tổng hợp

MỚI - NÓNG