Nhổ gốc tham nhũng

Nhổ gốc tham nhũng
TP - Có vẻ một luồng sinh khí mới đang xuất hiện ở châu Phi. Một số quốc gia, vốn đứng đầu châu lục về nạn tham nhũng, đã bắt đầu các biện pháp mạnh tay để tiễu trừ tệ nạn này.

Việc 14 quan chức bị cách chức, 4 thành viên nội các cùng 40 người đứng đầu các tập đoàn nhà nước đang bị điều tra vì có liên quan tới các vụ biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân,.... là điều chưa từng xảy ra ở Kenya. Tại Uganda, ủy ban chống tham nhũng quốc gia cũng bắt tay vào việc điều tra đối với Phó Tổng thống, các bộ trưởng và nhiều quan chức cấp cao do bị cáo buộc sử dụng sai công quỹ trong việc tổ chức một hội nghị những người đứng đầu chính phủ năm 2007.

Đây thực sự là những biện pháp mạnh mẽ “có một không hai” mà chính quyền các nước này thực hiện trong nhiều năm qua. Những vụ tham nhũng liên quan các quan chức cấp cao nhất cũng có thể bị đưa ra ánh sáng. Không ai là ngoại lệ và không ai có quyền đứng trên luật pháp.

Hiển nhiên, việc xử lý nghiêm khắc các vụ tham nhũng là hết sức cần thiết để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và làm gương cho nhiều người khác. Thế nhưng, có lẽ đó chỉ là giải pháp tình thế, bởi tham nhũng đã trở thành “căn bệnh kinh niên” hay “đại họa nội xâm” ở nhiều quốc gia. Vì thế, ngăn chặn được nạn tham nhũng “từ trong trứng nước” và nhổ được tận gốc rễ mới là vấn đề đau đầu.

Bài học mà Kenya áp dụng là tạo dựng một hành lang pháp lý để các cơ quan nhà nước hoạt động mạnh mẽ, có trách nhiệm và hiệu quả hơn, đồng thời thực hiện giáo dục tính chính trực tại các trường học để các giá trị đúng đắn, chẳng hạn như sự liêm khiết, được nuôi dưỡng ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó mới là những biện pháp thiết thực đã và sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.

MỚI - NÓNG