Nhóm BRIC tranh giành ảnh hưởng với Mỹ

Nhóm BRIC tranh giành ảnh hưởng với Mỹ
TP - Cuộc họp cấp cao đầu tiên diễn ra từ ngày 16/6 tại Nga đánh dấu sự ra đời chính thức của nhóm bốn nền kinh tế lớn mới nổi (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil gọi tắt là nhóm BRIC) đặt mục tiêu tranh giành ảnh hưởng với Mỹ.
Nhóm BRIC tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ảnh 1
Lãnh đạo nhóm BRIC muốn gia tăng vai trò trên trường quốc tế. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của nhóm BRIC chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào trong việc làm giảm ảnh hưởng của đồng USD cũng như vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.

Nhóm bốn nước đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trong các định chế tài chính toàn cầu như Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) nhóm họp ngay sau cuộc gặp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nơi các nhà lãnh đạo cũng muốn gia tăng vai trò trên trường quốc tế.

Nhóm BRIC chiếm 26 phần trăm diện tích và 42 phần trăm dân số thế giới. Năm 2008, GDP và kim ngạch thương mại của nhóm BRIC lần lượt chiếm 14,6 phần trăm và 12,8 phần trăm của thế giới.

Matxcơva đang cố tạo ra thách thức mới đối với USD, đồng tiền dự trữ của thế giới và Tổng thống Nga Dimitry Medvedev cũng kêu gọi thế giới cần có thêm những đồng tiền dự trữ khác.

“Không hệ thống tiền tệ nào có thể thành công nếu chúng ta sử dụng các công cụ tài chính được ấn định bởi chỉ một đồng tiền. Chúng ta cần củng cố hệ thống tài chính quốc tế không chỉ bằng việc làm cho đồng USD mạnh, mà còn tạo ra các đồng tiền dự trữ khác”, Tổng thống Medvedev tuyên bố.

Sau đó, Tổng thống Medvedev và các nhà lãnh đạo khác ra tuyên bố kêu gọi đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, tăng cường vai trò cho nhóm bốn nền kinh tế lớn mới nổi trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến vấn đề tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo nhóm BRIC lại không có chỉ trích rõ ràng nào nhằm vào đồng USD, cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào về việc phát triển đồng tiền dự trữ mới của thế giới.

Hãng tin AP dẫn lời chiến lược gia tiền tệ cấp cao của Ngân hàng New York Mellon, ông Michael Woolfolk, nói rằng một cách tự nhiên thế giới sẽ bớt phụ thuộc vào USD khi kinh toàn cầu bớt dựa dẫm vào kinh tế Mỹ.

Trên thực tế, Nga – Trung đang quan ngại rằng thâm hụt ngân sách đang tăng mạnh ở Mỹ sẽ châm ngòi cho lạm phát, làm suy yếu đồng USD và sẽ làm giảm giá trị nguồn tiền dự trữ ngoại tệ (USD) mà họ đang nắm giữ.

Nhóm BRIC cho rằng vai trò của họ hiện nay chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế của mỗi nước. Tuy nhiên, việc thường xảy ra xung đột về lợi ích giữa bốn nước thành viên khiến sức mạnh của nhóm BRIC chưa được phát huy.

Với dân số đông nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ có nguồn lao động dồi dào; trong khi Nga và Brazil chiếm lợi thế về tài nguyên thiên nhiên. Là nước tiêu thụ tài nguyên, Trung Quốc muốn có dầu giá rẻ, nhưng Nga và Brazil lại muốn dầu được bán với giá cao. Nga và Trung Quốc cùng đóng vai trò nổi bật trong SCO, nhưng cả hai lại dè chừng lẫn nhau.

Ông Arkady Dvorkovich, cố vấn kinh tế của Tổng thống Medvedev, nói Nga có thể đa dạng hoá nguồn dự trữ tiền tệ của họ bằng việc mua trái phiếu phát hành bởi các thành viên còn lại trong nhóm BRIC. Quan chức Nga, Trung Quốc, Brazil gần đây cũng hé mở khả năng sẽ đầu tư vào trái phiếu phát hành bởi IMF để đa dạng hoá nguồn dự trữ tiền tệ.

MỚI - NÓNG