Những bức thông điệp không lời

Những bức thông điệp không lời
Từ Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, thông điệp toát lên trong lễ kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ là khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Hôm 12/7 tại Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ phối hợp với một số cơ quan chức  năng Việt Nam tổ chức kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Từ cách chọn địa điểm đến thành phần tham dự lễ đều được thiết kế sao cho chuyển tải được tối đa thông điệp hướng tới tương lai trong quan hệ giữa hai nước.

Hà Nội có khách sạn 5 sao, dư cả về không gian lẫn sự sang trọng cũng như đảm bảo an ninh để tổ chức những sự kiện như trên. Nhưng Đại sứ quán Mỹ chỉ chọn khuôn viên trước Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội).

Tòa nhà Bảo tàng kiến trúc Pháp này quay mặt về hướng Đông Nam, nhìn sang bên kia đường là Văn Miếu - Quốc tử giám. Người Mỹ gửi gắm điều gì khi chọn địa điểm để tổ chức lễ kỷ niệm này?

Mở đầu bài phát biểu tại buổi lễ,  Đại sứ Mỹ Michael Marine nói: “Khi chúng ta tập trung làm lễ kỷ niệm trong khuôn viên của Bảo tàng xinh đẹp này, chúng ta cảm nhận thấy rằng cột mốc đây không chỉ thể hiện bằng một sự kiện, một việc làm mà đúng hơn là bằng một loạt những thành công trong thập kỷ qua”.

10 năm qua là một khoảng thời gian không dài, nhưng quan hệ Việt – Mỹ đã tiến nhanh trên nhiều lĩnh vực. Tại lễ kỷ niệm này hình như người Mỹ muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh trầm lắng và sâu sắc hơn, đó là quan hệ văn hóa giữa hai dân tộc và giữa những con người bình thường.

Các nhà tổ chức Mỹ luôn tỏ ra là đã nghiên cứu khá sâu lịch sử và văn hóa Việt Nam. Còn nhớ hồi tháng 8/1995, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Warren Christopher sang thăm Việt Nam để chính thức khai trương Văn phòng ĐSQ Hoa Kỳ ở Hà Nội.

Nói chuyện với các sinh viên Việt Nam ở Câu lạc bộ Quốc tế trên đường Hùng Vương, Ngoại trưởng Christopher đã khiến các sinh viên trầm trồ khi trong bài phát biểu ông dẫn ra một câu nói mà ngay cả người Việt Nam không phải ai cũng biết.

Ấy là khi đề cập đến chuyện thời thế đã trở nên thuận lợi cho sự chấn hưng của Việt Nam, Ngoại trưởng Christopher dẫn ra câu: “Thiên khởi Trung hưng, Thế khai Văn vận” (được dịch ra là: Trời mở hội Trung hưng. Đời khai nền Văn hóa).

Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết rằng ông Warren Christopher đã trích câu này từ một cuốn sách nhỏ giới thiệu về Văn Miếu - Quốc tử giám. Cuối năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam, người ta lại có một sự ngạc nhiên khác khi ông Clinton lẩy một câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa”…

Cách trang trí lễ kỷ niệm 10 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng là điều thú vị. Người dự lễ được xếp ngồi trên ghế giữa bãi cỏ trước tiền sảnh nhưng phần nhô ra của tòa nhà nằm chính giữa lại được để trống hoàn toàn.

Sự cố ý này làm lộ ra vẻ đẹp tuyệt vời của kiến trúc cổ Pháp. Bục sân khấu được dựng trang trọng lệch về phía bên phải. Ngoài cùng bên trái là một chiếc cầu thang gỗ thiết kế rất đẹp để cho người đi xe lăn tiến vào phòng khách và dự tiệc.

Tất cả đều được thiết kế về hình dáng và màu sắc hài hòa đến độ hoàn hảo với khuôn viên tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tôi đứng cạnh ông Giám đốc Viện Bảo tàng Dân tộc học Nguyễn Văn Huy, thấy ông gọi đồng nghiệp tới rồi chỉ cho thấy con mắt tài tình của người Mỹ đồng thời dặn phải “copy” ngay.

Việc dựng riêng một hệ thống cầu thang gỗ quan tâm đến những người khuyết tật đi xe lăn là việc làm đầy tính nhân văn. Điều này rất phổ biến ở các xã hội Âu Mỹ, nhưng hình như các nhà tổ chức của ta ít khi nghĩ tới.

Một điều đáng nói nữa là nhân dịp này, Tổng thống Mỹ George Bush cử đặc phái viên là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Cựu binh Hoa Kỳ Gordon Mansfield sang dự lễ kỷ niệm 10 năm quan hệ giữa hai nước.

Ông này từng tham chiến ở Việt Nam năm 1968, bị thương trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Vết thương nặng ở cột sống khiến hai chân ông bị liệt phải đi xe đẩy.

Gặp ông Gordon Mansfield, tôi cứ nghĩ vì sao Tổng thống Bush lại cử một quan chức Bộ Cựu binh sang dự lễ chứ không phải là một Thứ trưởng Ngoại giao? Thông lệ quốc tế  các hoạt động kỷ niệm loại này chỉ cần một nhà ngoại giao cao cấp sang dự là đủ. Nhưng Tổng thống Bush phái một quan chức Bộ Cựu binh, cũng chính là một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam sang dự lễ chứng tỏ ông muốn nhấn mạnh tính đặc thù trong quan hệ Mỹ - Việt.

Đặc thù vì cách đây 30 năm, hai nước là kẻ thù của nhau. Hai thập kỷ tiếp theo, chính các cựu binh Mỹ, điển hình là các Thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry đã đi đầu trong việc thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ song phương. 10 năm qua, quan hệ hai nước đã có bước tiến dài nhưng hậu quả chiến tranh vẫn là một trong những vấn đề lớn còn tồn tại quan hệ giữa hai nước.

Trong những năm tới, hai bên cần phải giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ của mối quan hệ đối tác.

Việc ĐSQ Mỹ chọn 60 bức ảnh đen trắng do hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ, Việt thực hiện trong 10 năm qua cũng chứa đựng những thông điệp không lời rất thú vị. Những bức ảnh được trưng bày không mang tính chất cổ động cho các thành tựu về kinh tế thương mại song phương, cũng không phải là những hình ảnh về các cuộc tiếp xúc của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước.

Những bức ảnh đen trắng được thực hiện trong hai cách nhìn khác nhau của 2 nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Linh và Peter Steinhauer (Mỹ) mô tả vẻ đẹp thanh bình của đất nước và con người Việt Nam ở những vùng quê xa xôi, hẻo lánh.

2 nghệ sĩ nhiếp ảnh bình thường có các tác phẩm được các nhà tổ chức Mỹ lựa chọn làm điểm nhấn cho buổi lễ kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ là điều mang tính biểu tượng rất cao. Một thế hệ mới người Việt Nam và Mỹ không bao giờ quên quá khứ bi thương nhưng lại biết từ đó rút ra bài học để hướng tới tương lai.

Có thể do cảm nhận được điều này một cách thật sâu sắc, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ, Thứ trưởng Bộ Cựu binh Hoa Kỳ Gordon Mansfield đánh giá cao ý tưởng của người họa sĩ Việt Nam Trần Mạnh Linh vẽ bức biểu tượng 10 năm quan hệ Việt - Mỹ.

Ông Mansfield bình luận về bức biểu tượng này: “Lá cờ Mỹ được tạo thành hình chữ A, còn lá cờ Việt Nam hình chữ V đối xứng bên nhau. Đó chính là con đường và tầm nhìn phía trước (của Việt Nam và Hoa Kỳ)”.

MỚI - NÓNG