Những cái bắt tay hiếm có

Những cái bắt tay hiếm có
Trong tang lễ Giáo hoàng người ta thấy một hiện tượng hiếm có: Không hiểu có bàn tay “đạo diễn” hay không mà nguyên thủ quốc gia nhiều nước thù địch lại đứng sát bên nhau.

Tổng thống Mỹ G. Bush đứng ngay bên cạnh Tổng thống Syria Basa Axát, nước bị Mỹ coi là thành viên của “trục ma quỷ”. Còn cách không xa các nhà lãnh đạo Syria và Iran, một thành viên khác của “trục ma quỷ” lại là nhà lãnh đạo Israel, nước đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ. Và đột nhiên đã xảy ra một sự việc không ai ngờ tới: Tổng thống Syria Basa Axát bắt tay Tổng thống Israel Môsê Caxáp.

Ai cũng biết là Syria, cũng như phần lớn các quốc gia A rập, không có quan hệ ngoại giao với Israel, hơn thế nữa, quan hệ giữa Syria và Israel không chỉ lạnh nhạt mà còn thù địch, hai nước đang trong tình trạng chiến tranh với nhau. Và cái bắt tay bất ngờ giữa hai ông Axát và Caxáp đã khiến tất cả các nhà báo có mặt phải ngỡ ngàng và bình luận sôi nổi, đoán già đoán non.

Vẫn chưa hết. Đài phát thanh Israel còn đưa tin Tổng thống Môsê Caxáp, người sinh trưởng ở Iran, đã trò chuyện dăm ba câu bằng tiếng Phacxi với Tổng thống Iran Môhamét Khatami. Đây cũng là điều hết sức bất ngờ đối với mọi người bởi vì hai nước Iran và Israel đối lập nhau như nước với lửa và đã từ lâu coi nhau là “kẻ thù”.

Theo ý kiến “sơ bộ” của một số nhà phân tích thì việc hai ông Caxáp và Khatami trò chuyện với nhau là bằng chứng cho thấy khả năng xích lại gần nhau giữa Israel với thế giới Hồi giáo nói chung và Iran nói riêng. Có người còn “bạo gan” phỏng đoán rằng hai ông Caxáp và Khatami rất có thể đã lợi dụng cơ hội cùng đến dự tang lễ Giáo hoàng ở Vatican để “bí mật gặp gỡ và hội đàm” với nhau.

Thậm chí, cựu Tổng thống Ba Lan Lếch Valenxa còn coi những cái bắt tay như vậy là bằng chứng cho thấy “phép lạ” của Giáo hoàng Giăng Pôn II: Ngay cả sau khi qua đời Giáo hoàng vẫn có thể hoà giải những kẻ thù không đội trời chung của nhau!

Nhưng hoá ra, lời khẳng định của ông Valenxa đã bị thực tế ngay lập tức bác bỏ. Tất cả các phía có liên quan đến những “vụ bắt tay” nói trên đều vội vã lên tiếng “thanh minh”.

Tổng thống Israel Caxáp sau khi về đến thủ đô Tel Avip đã phủ nhận ý nghĩa chính trị của việc ông bắt tay Tổng thống Syria Axát. Ông tuyên bố việc ông bắt tay ông Axát và ông Khatami chỉ là do “yêu cầu của phép lịch sự” chứ không hề tiềm ẩn ý nghĩa chính trị nào.

Cũng theo lời ông Caxáp, người đưa tay ra trước là ông Axát, còn ông chỉ còn cách đáp lễ mà thôi. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Xinvan Salôm cũng nhấn mạnh rằng những cái bắt tay nói trên không hàm ý bất kỳ sự thay đổi nào trong mối quan hệ giữa các quốc gia có liên quan.

Về phần mình, Syria thông qua hãng thông tấn chính thức của mình là SANA cũng lên tiếng bác bỏ ý nghĩa chính trị của việc Tổng thống Syria bắt tay Tổng thống Israel và coi đó chỉ là “hậu quả của hoàn cảnh”. SANA còn khẳng định rằng lập trường của Syria đối với Israel “ai cũng đã rõ và vẫn sẽ không thay đổi”.

Phản ứng của phía Iran đối với những lời đồn đoán chung quanh “vụ bắt tay lịch sử ở Vatican” xem ra còn gay gắt hơn. Ngay sau khi về đến thủ đô Tehran, Tổng thống Khatami đã kịch liệt bác bỏ những tin tức của báo chí Israel là dường như ông đã gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Israel.

Ông nhấn mạnh: “Tôi không hề có bất kỳ cuộc gặp gỡ và hội đàm nào với bất kỳ đại diện nào của phía Israel tại Vatican… Tôi cũng chẳng bắt tay bất kỳ đại diện nào của phía Israel”. Ông Khatami còn nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng theo quan điểm đạo đức và lôgíc, chúng tôi chính thức không thừa nhận chế độ xiônít” (tức là chế độ nhà nước hiện nay của Ixraen).

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.