Những “con nợ” của Liên Hợp Quốc

Những “con nợ” của Liên Hợp Quốc
TP - Cho tới nay, trong tổng số 192 nước thành viên, mới chỉ có 24 nước thực hiện xong việc đóng góp. Tất cả các nước lớn là thành viên Hội đồng Bảo an đều chưa chịu mở hầu bao…
Những “con nợ” của Liên Hợp Quốc ảnh 1
TTK LHQ Ban Ki-Moon

Hôm 11/3 vừa qua, ông Ban Ki-Moon đã đến trụ sở Quốc hội Mỹ và họp kín trong vòng gần một tiếng đồng hồ với các thành viên Tiểu ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ.

Ông Ban Ki-Moon thảo luận với các nhà lập pháp Mỹ một loạt vấn đề quốc tế cấp bách, chẳng hạn, tình hình ở Soudan và Somali, tình trạng ấm lên của khí hậu toàn cầu.

Ông Ban Ki-Moon còn đề cập đến vấn đề ngân sách của LHQ, kể cả ngân sách thường xuyên lẫn ngân sách dành cho các chiến dịch kiến tạo hòa bình, cũng như việc các nước thành viên thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình đối với LHQ.

Sau cuộc gặp, nhiều nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phẫn nộ cho các nhà báo biết ông Ban Ki-Moon đã dùng hai tiếng "chây nợ" khi nói về Mỹ.

Một Nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa tuyên bố: "Điều đó làm tôi cảm thấy bị xúc phạm. Chúng tôi chuyển cho LHQ khá nhiều tiền của những người Mỹ phải đóng thuế và chúng tôi không đáng bị gọi như vậy".

Khi các nhà báo đề nghị ông Ban Ki-Moon xác nhận ông quả thật có sử dụng hai tiếng "chây nợ" thì ông gật đầu thừa nhận. Theo lời ông, ông muốn các Nghị sĩ Mỹ lưu ý đến một sự thật là tuy Mỹ đã đồng ý gánh chịu 22% tổng ngân sách 4,86 tỷ USD của LHQ nhưng Mỹ bao giờ cũng đóng góp rất chậm.

Ông nhấn mạnh hiện nay Mỹ là con nợ lớn nhất của LHQ với tiền nợ lên đến 1 tỷ USD và sắp tới đây sẽ lên đến 1,6 tỷ USD. Đấy là chưa kể một hạng mục khác là tiền đóng góp cho các chiến dịch kiến tạo hòa bình trên khắp thế giới.

Theo lời thừa nhận của một Nghị sĩ Mỹ khác, về hạng mục này Mỹ còn nợ khoảng 670 triệu USD.

Công bằng mà nói, đâu chỉ có Mỹ chậm đóng góp vào ngân sách của LHQ. Cho tới nay, trong tổng số 192 nước thành viên mới chỉ có 24 nước thực hiện xong việc đóng góp. Tất cả các nước lớn là thành viên Hội đồng Bảo an đều chưa chịu mở hầu bao. Vì vậy, có thể nói việc chậm đóng góp là hiện tượng phổ biến và đã kéo dài trong nhiều năm. Nhưng tại sao Mỹ lại bị TTK Ban Ki-Moon chỉ trích nặng nề đến thế?

Thứ nhất, đó là vì Mỹ đóng góp nhiều nhất, tới hơn một phần năm tổng ngân sách của LHQ. Do đó, nếu những nước đóng góp ít (như Ukraina - 0,045%, Gruzia - 0,003%, Armenia - 0,002% v..v..) nộp tiền chậm thì không sao nhưng nếu Mỹ chậm đóng góp thì LHQ chẳng lấy đâu ra đủ tiền để chi cho các hoạt động rất tốn kém của mình.

Thứ hai, Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush nhiều lần dùng vấn đề tài chính làm áp lực đối với LHQ.

Chẳng hạn vào năm 2006, Mỹ đã đặt LHQ vào tình trạng rỗng túi khi đe dọa dành cho mình quyền tạm dừng đóng góp cho LHQ nếu việc cải tổ LHQ không đạt được những tiến bộ cụ thể.

Vũ Việt 
Theo báo chí Nga

MỚI - NÓNG