Những cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga - Mỹ

Robert Hanssen - chuyên gia phản gián FBI làm gián điệp cho Nga suốt hơn 15 năm. Ảnh: Getty Images.
Robert Hanssen - chuyên gia phản gián FBI làm gián điệp cho Nga suốt hơn 15 năm. Ảnh: Getty Images.
TP - Quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ vốn “cơm không lành canh không ngọt” trong quá khứ. Kể từ năm 1986, hai bên đã có không ít lần khủng hoảng ngoại giao.

Theo The New York Times, đối với Mỹ, căn nguyên của những vụ trục xuất nhà ngoại giao và trả đũa nhau đều bắt nguồn từ hoạt động gián điệp giữa Nga và phương Tây từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Điểm lại các vụ trục xuất nhà ngoại giao Nga-Mỹ hơn 30 năm qua, không thể không kể vụ trục xuất ngoại giao lớn nhất và gần đây nhất của Nga. Tháng 7/2017,  Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga như là một đòn trả đũa đối với lệnh trừng phạt của Mỹ, trong đó có việc Mỹ trục xuất 35 quan chức ngoại giao Nga hồi tháng 12/2016. Đây được cho là vụ trục xuất nhà ngoại giao lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 2001 nhằm trả đũa cho việc Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ. Lệnh trục xuất này được đưa ra vào đúng tuần lễ cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama. Tuy nhiên, cuối cùng, ông Putin đã trì hoãn việc trả đũa vì hy vọng quan hệ hai nước sẽ được cải thiện dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ngay từ tháng 6/2016, Mỹ đã trục xuất hai nhà ngoại Nga để trả đũa cho việc một cảnh sát Nga tấn công một quan chức ngoại giao Mỹ ngay bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva.

Tháng 5/2013, chính quyền Nga ra lệnh trục xuất một quan chức ngoại giao công tác tại Đại sứ quán Mỹ được nhận dạng là Ryan Fogle. Ông này bị trục xuất với lý do: Bị bắt quả tang khi mang theo hai bộ tóc giả (một vàng, một nâu), một tập bản đồ Mátxcơva, 130.000 USD tiền mặt, một lá thư mời hợp tác lâu dài với mức thù lao 1 triệu USD/năm…

Năm 2010, có 10 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất vì là thành viên của một nhóm hoạt động ngầm sau khi họ nhận tội tại một tòa án liên bang ở Manhattan (Mỹ). Như là một phần của cuộc thương thảo, Mỹ dùng việc trục xuất này để đánh đổi cho việc thả 7 nhân viên tình báo Mỹ lúc đó bị giam giữ tại Nga. Vụ việc này được ví như tiểu thuyết bởi lẽ bằng chứng của nó là những lá thư viết tay bằng mực vô hình, tiền chôn dưới đất và có liên quan một phụ nữ tóc đỏ cùng với những chuyến đi lãng mạn, những bức ảnh gợi cảm đăng trên các báo lá cải.

Tháng 3/2001, Mỹ trục xuất 50 nhà ngoại giao Nga sau khi Robert Hanssen, người được cho là chuyên gia phản gián tại FBI và từng làm gián điệp cho Nga suốt hơn 15 năm bị bắt. Các quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng, Hanssen đã được trả hàng trăm ngàn USD sau khi tình nguyện trao các bí mật của Mỹ cho Nga. Đáp lại, giới chức Nga cũng trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ.

Năm 1994, ngay sau vụ Nga bắt giữ Aldrich Ames, nhân viên CIA, một điệp viên hai mang, phía Mỹ trục xuất  nhà ngoại giao cao cấp của Nga Aleksandr Lyskenko - người bị cáo buộc làm việc tại cơ quan tình báo nước ngoài của Nga. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Lyskenko là người chịu trách nhiệm cho các hoạt động của  Ames.

Năm 1986, có 55 nhà ngoại giao Liên Xô bị trục xuất theo lệnh của Tổng thống Mỹ Ronald Regan trong một nỗ lực nhằm siết chặt hoạt động tình báo. Đáp trả, Mátxcơva ra lệnh chấm dứt hợp đồng lao động với 260 nhân viên đang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Mátxcơva.

Quan hệ lạnh giá

Quan hệ Nga-Mỹ hiện nay còn lâu mới tới chiều sâu của Chiến tranh Lạnh, nhưng phát biểu mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin đổ thêm nước đá vào mối quan hệ song phương lạnh giá hiện nay, đủ để nó giảm đi vài độ. Ông Putin phát biểu về loại vũ khí mới của Nga, thuộc hàng “thiên hạ vô địch”, có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ. Ít chuyên gia tin rằng loại vũ khí đó sẽ thay đổi cán cân quyền lực giữa hai quốc gia có khả năng phá hủy nhau trong nhiều dịp. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, những đợt tấn công “võ mồm”, ngoại giao đình trệ và leo thang quân sự dính dáng quan hệ Nga-Mỹ không có lợi cho an ninh toàn cầu. Nga và Mỹ có nhiều điều để thương lượng, bao gồm các chủ đề kiểm soát vũ khí, tấn công mạng, Ukraine, Syria… Tuy nhiên, không dễ để tìm ra cách thức mở được cánh cửa nặng đóng im ỉm của chiếc tủ đá siêu lạnh.

Thái An (theo Washington Post)

MỚI - NÓNG