Những người lặng lẽ vén “mây mù” Triều Tiên

TP - Trong một tòa nhà văn phòng vô danh dưới bóng dãy núi Rocky ở bang Colorado (Mỹ), nơi các trại nuôi gia súc đã được thay thế bằng các trung tâm mua sắm, một người đàn ông nói giọng Brooklyn đang “di chuyển” trên những con phố ở Bình Nhưỡng.

Joe Bermudez nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính để phân tích một bức ảnh vệ tinh, di chuyển con trỏ qua các trạm canh gác để vào khu vực hạn chế, nơi giới tinh hoa Triều Tiên đang sống sau những bức tường bê tông. 

Nhìn xuống thành phố từ khoảng cách hơn 250 dặm, Bermudez dừng lại ở nơi mà anh tin là đường bay riêng của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, trỏ vào một cặp trực thăng VIP và một chiếc phi cơ hai lớp cánh thời Liên Xô. Di chuyển lên phía bắc, Bermudez vượt qua vùng đồng quê và chọn những đường hầm bí mật, những khu vực kín cổng cao tường và một tiểu đội thủy phi cơ.

Bermudez là thành viên của một nhóm vô danh chuyên nghiên cứu Triều Tiên - đất nước được coi là bí ẩn nhất thế giới. Trong nhóm này còn có Michael Madden - nhà phân tích chủ yếu tự học và Curtis Melvin - nhà nghiên cứu chính sách tiền tệ của Triều Tiên. 

Adam Cathcart, công tác tại Đại học Leeds (Anh) và Cheong Seong-chang tại Viện Nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) cũng là thành viên của nhóm. Một quan chức tình báo lâu năm của Mỹ đang viết những cuốn tiểu thuyết về tội phạm ở Bình Nhưỡng dưới tên giả là James Church.

 Họ là những giáo sư đại học, nhà phân tích chính sách và những cây viết chuyên cung cấp bài cho hàng loạt trang web về Triều Tiên. Họ cho rằng, Triều Tiên không bí hiểm như nhiều người nghĩ. Ít nhất là không phải lúc nào cũng vậy. 

“Triều Tiên là nơi rất bí ẩn. Nhưng không bí ẩn như nhiều người nghĩ. Bây giờ lấy thông tin về Triều Tiên dễ hơn nhiều rồi”, AP dẫn lời ông Andrei Lankov, giáo sư người Nga đang công tác tại ĐH Kookmin ở Seoul.

Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từng nói: “Khi kẻ thù lẻn vào nước chúng tôi, chúng chỉ thấy sương mù”. Nhưng nay Triều Tiên không còn là nơi bất khả xâm phạm, và những người quan sát đã mất nhiều năm để tìm ra phương pháp quan sát bên trong. Họ làm điều đó bằng cách phân tích tỉ mỉ các bức ảnh vệ tinh được số hóa, bằng cách hỏi những người đào tẩu Triều Tiên sang Trung Quốc và Hàn Quốc… 

Họ nói chuyện với giới ngoại giao, doanh nhân từng đến Triều Tiên. Họ đọc các tạp chí Trung Quốc để tìm ra manh mối chính trị và đo lường thay đổi kinh tế bằng cách đo mức độ chiếu sáng ở Triều Tiên nhìn từ trên cao. Họ lập quan hệ với các cơ quan chính phủ bí mật chuyên theo dõi Triều Tiên…

Những người này tìm kiếm manh mối khắp nơi. Việc ông Kim Jong-un tăng cân có nghĩa gì? Việc ông Kim Jong-un dùng từ “nhân dân” 90 lần trong một bài phát biểu gần đây, nhưng không nói đến từ “hạt nhân” có nghĩa gì? 

Liệu một vài cụm từ trong các tuyên bố của chính phủ, dẫu vô thưởng vô phạt với người thường, nhưng đầy ý nghĩa với giới quan sát, có phản ánh cuộc đấu tranh quyền lực hay không? Đôi khi họ gặp may. Như tấm poster tuyên truyền mà một du khách chụp ảnh năm 2009 được đánh giá là tín hiệu của việc ông Kim Jong-un đang nổi lên. Nhưng đa phần công việc của nhóm phân tích là tỉ mỉ xâu chuỗi các tình tiết để rút ra điều gì đó có ý nghĩa.

Khi phân tích ảnh vệ tinh, lúc đầu, Bermudez nghĩ rằng ảnh có vẻ cung cấp câu trả lời dễ dàng cho những vấn đề như Bình Nhưỡng đã sắp đủ khả năng phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân hay chưa, hay Triều Tiên có xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang Trung Quốc không… 

Tuy nhiên, việc tìm kiếm câu trả lời đòi hỏi phải phân tích hình ảnh cực kỳ kỹ càng. Phân tích bắt đầu từ phần mềm phức tạp để tìm ra hàng trăm bóng sáng, bao gồm các bước sóng hồng ngoại, và rất nhiều màu sắc. 

Các nhà phân tích gộp những hình ảnh riêng lẻ để làm nên hình ảnh rõ ràng hơn, sau đó dùng phần mềm để giảm hình ảnh méo. Kết quả thu được sau đó sẽ kết hợp với dữ liệu lịch sử, những bức ảnh trước đó và các báo cáo nghiên cứu để rút ra kết luận.

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG