Những nhà báo hoạt động ngầm trong sào huyệt IS

Người dân giơ cao hình nhà báo Naji Jerf tại lễ tang của ông ngày 27/12/2015 ở Gaziantep .Ảnh: AFP
Người dân giơ cao hình nhà báo Naji Jerf tại lễ tang của ông ngày 27/12/2015 ở Gaziantep .Ảnh: AFP
Để đưa những thông tin chân thực nhất trong sào huyệt IS đến với thế giới, các nhà báo công dân, những người làm báo không chuyên, tại Syria nhiều khi phải đánh đổi bằng tính mạng.

Ngày 6/1, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thông báo đã hành quyết nữ nhà báo người Syria Ruqia Hassan vì tội làm "gián điệp". Cô là một trong số ít các nhà báo công dân thuộc nhóm "Raqqa đang bị giết trong im lặng", sẵn sàng đương đầu với nguy hiểm, bám trụ tại sào huyệt Raqqa của IS ở Syria để truyền tải những thông tin sinh động và thực tế nhất về cuộc sống trong thành phố dưới sự cai trị của IS, theo Le Nouvel Observateur.

Nhóm "Raqqa đang bị giết trong im lặng" (RBSS) được thành lập vào tháng 4/2014, gồm khoảng 20 nhà báo công dân, được đánh giá là một trong số ít những nguồn thông tin độc lập đáng tin cậy về tình hình thành phố Raqqa, thành phố bị IS chiếm đóng từ năm 2014.

Để cập nhật và truyền tải được thông tin, nhóm này phải hoạt động bí mật theo quy trình chặt chẽ. Một nhóm nhà báo được phân công thường xuyên có mặt tại Raqqa, theo sát mọi diễn biến trong thành phố, bí mật quay phim, ghi hình và gửi thông tin qua hệ thống tin nhắn như WhatsApp, hoặc các ứng dụng an toàn hơn như Telegram Messenger.

Nhóm các nhà báo còn lại hiện có mặt ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, phụ trách việc tiếp nhận các thông tin này. Sau khi biên tập, các bản tin hoàn chỉnh sẽ nhanh chóng được đẩy lên trang blog cá nhân của các thành viên hoặc trang thông tin chính thức của nhóm. Các bản tin quan trọng có tác động xã hội lớn sẽ được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.

Tại Gaziantep, các nhà báo công dân Syria nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ nhiều tổ chức báo chí quốc tế. Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) phân công nhiều chuyên gia hàng đầu để đào tạo cho nhóm các kỹ năng báo chí hiện đại, đặc biệt là các biện pháp an toàn và bảo mật thông tin.

"Chúng tôi hướng dẫn cho nhóm cách cài đặt phần mềm VPN để đảm bảo các hoạt động truyền thông tin, hình ảnh và video qua email được mã hóa. Họ cũng được hướng dẫn cài đặt một số ứng dụng đơn giản để mã hóa các tin nhắn văn bản trên các thế hệ điện thoại thông minh khác nhau", một thành viên RSF cho biết.

Để tránh việc bị phiến quân IS định vị, các nhà báo cũng thường xuyên sử dụng proxy bảo mật. Một số nhà báo thậm chí còn liều lĩnh vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển những tài liệu, thông tin sống động nhất mà họ không thể truyền đi bằng công nghệ.

"Điều này thật khó tin, nhưng những thông tin hay nhất mà nhóm đăng tải là do các nhà báo trực tiếp mang đến từ Raqqa, nhờ việc kiểm soát biên giới ở một số địa điểm là tương đối lỏng lẻo", El - Kazhen Alexandra, trưởng văn phòng Trung Đông của RSSF cho biết.

Hiểm nguy rình rập

Khi chiếm được Raqqa, IS đã thực thi chính sách kiểm soát hà khắc với báo chí. Nếu không tuân thủ các quy định do "cơ quan thông tin" của phiến quân đặt ra, các nhà báo sẽ trở thành đối tượng hàng đầu bị sát hại.

Theo các số liệu không đầy đủ của RSF, kể từ khi cuộc nội chiến xảy ra tại Syria, có ít nhất 141 nhà báo công dân và 49 nhà báo chuyên nghiệp đã thiệt mạng. Trong số 54 nhà báo bị bắt làm con tin trên thế giới trong năm 2015, có đến 26 người đang bị IS giam giữ ở Syria, trong đó có 20 nhà báo công dân.

RSF khẳng định con số này sẽ tiếp tục gia tăng, bởi phiến quân đang thực hiện chiến dịch truy lùng và ám sát "vượt biên giới" nhắm vào các nhà báo. Những nhà báo Syria đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ bị tổ chức này coi là "kẻ thù của Thượng đế" trở thành mục tiêu chính của chiến dịch truy lùng này.

Tháng 10/2015, IS đã chặt đầu Ibrahim Abdelkader, nhà hoạt động trẻ người Syria cùng một người bạn trong một căn hộ tại thành phố Sanliurfa, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối tháng 12/2015, Naji Jerf, nhà báo công dân người Syria, kiêm nhà sản xuất phim tài liệu chống IS cũng bị các phần tử IS ám sát bằng súng giảm thanh trên một đường phố ở Gaziantep.

"Các nhà báo công dân Syria đã xây dựng một mạng lưới thông tin hiệu quả. Lực lượng và chuyên môn của họ ngày càng được củng cố. Tầm mức của họ cũng được nâng lên đáng kể. Từ các nhà báo đưa tin và bình luận đơn thuần, họ đã trở thành những nhà điều tra chuyên nghiệp với nhiều sản phẩm chất lượng. Điều này đã làm IS và các nhóm jihad khác tại Syria tức tối và tìm cách giết hại họ", David Hivet, Trưởng văn phòng châu Á và Địa Trung Hải của RSF, cho biết.

Nguyễn Hoàng

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG