Những nước cờ để ngỏ của Putin ở Syria

Ông Putin chủ trì cuộc họp với các quan chức cấp cao Nga. Ảnh: Reuters
Ông Putin chủ trì cuộc họp với các quan chức cấp cao Nga. Ảnh: Reuters
Rút quân khỏi Syria khi chưa đạt được hết các mục tiêu chiến lược có thể là một chiến lược của ông Putin nhằm giành ưu thế trên mặt trận ngoại giao.

Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi bất ngờ tuyên bố rút "phần lớn" lực lượng quân sự hiện diện ở Syria suốt hơn 5 tháng qua, sau khi tiến hành chiến dịch không kích dữ dội yểm trợ cho quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Giới phân tích đã tốn không ít giấy mực để tìm hiểu động cơ rút quân khỏi Syria của ông Putin, đồng thời vạch ra những mục tiêu mà Nga đã đạt được trên chiến trường này, đặc biệt là việc củng cố vững chắc chính quyền của ông Assad và lấy lại lãnh thổ từ tay quân nổi dậy. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng có những thứ dường như ông Putin đã cố tình "làm dang dở" trên chiến trường Syria, theo Business Insider.

"Điều khiến tôi quan tâm là việc Putin để lại một số nhiệm vụ quân sự quan trọng chưa hoàn thành", Jeff White, chuyên gia về quốc phòng tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, cho biết.

"Vòng vây quanh thành phố Aleppo vẫn chưa khép kín, các nhóm nổi dậy vẫn trụ vững ở Latakia, căn cứ địa của họ ở Idlib vẫn chưa bị thách thức nghiêm trọng, và vị thế của quân chính phủ ở Daraa chưa hề vững chắc", ông nói.

Trong thực tế, chiến dịch không kích dữ dội của Nga từ tháng 9 năm ngoái là tiền đề để quân đội chính phủ Syria mở chiến dịch tấn công quy mô lớn để giành lại các phần lãnh thổ đã mất, trong đó có Aleppo, thành phố lớn nhất nước, nơi phe nổi dậy đang kiểm soát.

Từ tháng 11 năm ngoái, các cuộc không kích của Nga đã dần dần chuyển trọng tâm chiến trường từ miền tây lên hành lang phía bắc Aleppo, từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực Azar. Đến tháng một, quân đội chính phủ Syria và đồng minh đã giành thắng lợi lớn đầu tiên khi phá vỡ vòng vây của quân nổi dậy ở hai ngôi làng phía tây bắc Aleppo, cắt đứt tuyến đường tiếp tế chính từ Thổ Nhĩ Kỳ của phe nổi dậy.

Tuy nhiên, ông White chỉ ra rằng thành phố trọng yếu Aleppo vẫn nằm ngoài tầm với của quân đội chính phủ. Thử thách lớn nhất gần đây đối với phe nổi dậy ở Idlib không phải đến từ quân đội chính phủ, mà là từ nhóm phiến quân Jabhat al-Nusra thân al-Qaeda.

Tại tỉnh Latakia, các lực lượng đồng minh của quân đội Syria đã giành được một số làng mạc ở phía bắc thành phố, tạo tiền đề để hình thành thế bao vây, quây chặt quân nổi dậy trong khu vực này. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, thế tiến công của họ bị chững lại và gần như bế tắc, khiến vòng vây không thể hình thành hoàn chỉnh. Trong khi đó, tỉnh miền nam Daraa vẫn là địa bàn của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), al-Qaeda và nhiều nhóm nổi dậy khác nhau.

Julien Barnes-Dacey, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng những đợt ném bom dữ dội của chiến đấu cơ Nga trong nhiều tháng qua đã giúp quân đội chính phủ Syria "củng cố vị thế ở trung tâm Syria", nhưng không đủ để giúp lực lượng này có thể "giành thắng lợi mang tính quyết định trong tương lai gần".

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác cho rằng một người thích có những bước đi chiến thuật đầy bất ngờ như ông Putin sẽ không đặt ra những mục tiêu kiểu như "thắng lợi rực rỡ" trên chiến trường Syria. Giáo sư Mark Galeotti, chuyên gia về các vấn đề an ninh Nga tại Đại học New York, cho rằng một mục tiêu đầy tham vọng như vậy không bao giờ là một phần kế hoạch của Nga ở Syria.

Những nước cờ để ngỏ của Putin ở Syria ảnh 1

Vùng kiểm soát của quân đội chính phủ Syria (xanh da trời) chưa được mở rộng đáng kể sau chiến dịch không kích của Nga. Đồ họa: Business Insider

Theo đó, việc ông Putin ra lệnh rút quân khỏi Syria dù chưa đạt được mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn phiến quân IS, đúng vào thời điểm mang tính bước ngoặt đối với ông Assad, có vẻ như là một bước đi mang tính chiến lược để duy trì vị thế của Nga tại bàn đàm phán hòa bình diễn ra ở Geneva.

Cao thủ về chính sách đối ngoại

Theo White, bằng việc đột ngột rút quân khỏi Syria, ông Putin đã dồn hết trách nhiệm chấm dứt tình trạng bạo lực và đổ máu ở đất nước này lên vai Mỹ vào đúng thời điểm quan trọng nhất, đồng thời cho cả cộng đồng quốc tế, cũng như ông Assad, thấy rằng Nga không phải là bên "cố sống cố chết" giữ bằng được chính quyền Syria hiện nay.

"Có vẻ như ông Putin đã cảm thấy nản lòng với Assad và quyết định cho ông ta thấy ai mới là người trên cơ. Putin dường như tin rằng vấn đề trọng tâm cần chú ý hiện nay là cuộc chiến ngoại giao ở Geneva chứ không phải các cuộc giao tranh trên chiến trường. Nga rất giỏi trong việc chuyển trọng tâm giữa hai vấn đề này", White nhận định.

"Điều quan trọng là, Nga có thể dễ dàng đẩy trọng tâm vấn đề trở lại chiến trường nếu ông Putin cho rằng trận chiến ngoại giao ở Geneva sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp". Tuần trước, ông Putin cũng tuyên bố rằng Nga có thể triển khai lực lượng quân sự đầy đủ trở lại Syria chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Nhiều chuyên gia phân tích nhất trí rằng với việc tiếp tục duy trì khoảng 2.000 binh sĩ và một số khí tài ở hai căn cứ quân sự Tartus và Latakia, hành động "rút quân" của Nga chủ yếu là mang tính chất "diễn" chứ không phải thực chất. Với hai căn cứ không quân và hải quân được bảo vệ chặt chẽ bằng các hệ thống tên lửa S-400 này, "Nga thể hiện rằng họ có thể điều các phi đội chiến đấu cơ đến Syria ngay lúc cần thiết", ông White nói.

Tuy nhiên, Mark Kramer, giám đốc Dự án Nghiên cứu Chiến tranh Lạnh tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và khu vực Á-Âu Davis của Đại học Havard, lại không cho rằng ông Putin quyết định rút quân khỏi Syria mà chưa hoàn thành các mục tiêu của mình.

"Với những gì mà Nga đặt ra hồi tháng hai, các lực lượng Nga đã hoàn thành những gì mà họ được giao khi đến Syria. Đó là ổn định khả năng nắm quyền của ông Assad, củng cố chính quyền, và giúp quân đội Syria tránh khỏi kết cục thảm khốc", Kramer nói.

Ngoài các mục tiêu cơ bản trên, Nga còn thu được một lợi ích nữa từ chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, đó là chiến dịch không kích đã cho phép không quân nước này có một cơ hội quý báu để rèn luyện khả năng thực chiến cũng như phục vụ mục đích tuyên truyền, chuyên gia này chỉ ra.

Những nước cờ để ngỏ của Putin ở Syria ảnh 2

Ông Assad (trái) và ông Putin trong cuộc gặp ở Moscow hồi năm ngoái. Ảnh: Sputnik

Trong khi đó, giáo sư Galeotti cho rằng quyết định rút quân của ông Putin không hề thua kém gì một cao thủ về chính sách đối ngoại.

"Bằng quyết định này, ông Putin đã trấn an được dư luận ngày càng tỏ ra lo lắng trong nước, giảm thiểu rủi ro của các binh sĩ Nga trước những cuộc tấn công thảm họa, và giúp củng cố hình ảnh nguyên thủ của chính ông", Galeotti viết.

"Sau khi không mấy thành công ở miền đông Ukraine, cũng như những chính sách đối nội chưa phát huy hiệu quả trong bối cảnh kinh tế lao đao, hành động trên cho thấy Putin là một bậc thầy về chính sách đối ngoại trong trò chơi của mình", giáo sư này nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG