Những ông vua đường phố

Những ông vua đường phố
TP - Định cất cánh từ những năm 70 không thành, thành phố Manila - Philippin còn kéo theo nhiều các "đặc sản" hổ lốn khác mà đó là hậu quả của sự bất thành trên con đường phát triển.
Những ông vua đường phố ảnh 1
Tricyde có mặt khắp nơi

“Đặc sản” tắc đường

Tắc đường được xem như một thứ “đặc sản” của Thủ đô Manila. Từ TP Quezon tới sân bay quốc tế chỉ khoảng 20 km, nhưng đoàn nhà báo quốc tế được Trung tâm Báo chí châu Á (ĐH Ateneo) khuyến cáo phải xuất phát ít nhất 5 tiếng trước khi máy bay cất cánh.

Đón chúng tôi lúc 9 giờ sáng, anh lái xe phải trổ hết tài lượn lách, thậm chí luồn vào các phố nhỏ để tránh tắc đường, nhưng cũng tới hơn 11 giờ mới tới được sân bay với số tiền phải  trả lên tới 400 peso (130.000 đồng).

Hơn 2 tiếng cho khoảng 20 km cũng là chuyện xảy ra thường ngày ở Manila. Cũng vì thế, cách tính tiền của taxi ở đây còn dựa vào thời gian. Nếu không tắc đường, chỉ mất không quá 20 phút với khoảng 180 peso (60.000 đồng) cho đoạn đường trên.

Tài xế taxi ở Manila vì thế thường trổ hết tài luồn lách để đưa khách tới nơi cần đến nhanh nhất và sau đó không thối lại tiền thừa. Giá cả hợp lý và được phép đi lại tự do trên khắp thủ đô nên taxi ngày càng phổ biến ở Manila.

Hầu như không bao giờ phải nhắc điện thoại để gọi, người ta vẫn có thể vẫy được taxi ở mọi đường phố và bất kỳ giờ nào trong ngày. Số lượng taxi (chủ yếu của tư nhân) quá lớn nên nhiều khi và nhiều nơi, lái xe tìm mọi cách để “móc túi” khách lạ, đơn giản nhất là tắt đồng hồ tính tiền hoặc xin tiền bo một cách thẳng thừng dù chính quyền đã đề ra các quy định xử phạt nặng.

Không có nhiều tiền, người dân Manila có thể đi xe bus theo từng tuyến nhất định với giá gần 9 peso (3.000 đồng) cho 4 km đầu tiên. Hệ thống đường sắt trên không nối liền các thành phố của thủ đô Manila được xây dựng từ những năm 1970, nhưng cách đây 1 năm mới chính thức hoàn thành 3 tuyến mới hiện đại và 5 tuyến khác cũng sắp ra đời.

Không phải là tàu điện ngầm, nhưng hệ thống đường sắt ở Manila khá hoàn hảo. Ga tàu điện xây ngầm dưới đất, luôn có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên an ninh đề phòng khủng bố với bảng điện tử đếm ngược giờ tàu đến. Với chỉ 10 – 12 peso (3.000– 4.000 đồng) cho mỗi người để mua vé từ các hộp tự động, đã có thể ngồi trong toa tàu mát rượi,sạch sẽ và không sợ bị mất cắp vì nhân viên an ninh luôn có mặt. Những ga tàu sắp đến đều được thông báo rõ ràng bằng tiếng Anh.

Xuất khẩu “Vua đường phố”? 

Jeepney và Tricycle (xe máy hoặc xe đạp 3 bánh) tiếp tục được mệnh danh là “Những ông vua đường phố” cho dù chính quyền đã đề ra các biện pháp hạn chế để giảm ô nhiễm.

Có nguồn gốc từ những chiếc xe quân sự do quân đội Mỹ để lại từ Thế chiến II, phi đội Jeepney chở khách ngày nay có cùng kiểu thiết kế với hai hàng ghế dài dọc thành xe đủ chỗ cho 12 hoặc 18 người ngồi.

Điều độc đáo là ở màu sắc sặc sỡ, cách trang trí muôn hình vạn trạng ở mỗi chiếc Jeepney. Phong cách lái xe của tài xế Jeepney cũng rất dã chiến với việc 1 tay cầm khăn lau mồ hôi (trong mùa nóng) hoặc bóp còi và điều khiển vô lăng, tay kia nhận tiền của khách, mắt nhìn phía trước và rồ máy lạng lách…

Với giá 7,5 peso (2.500 đồng) cho 4 km đầu tiên, dù luôn đối mặt với tai nạn, bị nhồi nhét, mất cắp…, nhưng đông đảo người dân vẫn sử dụng Jeepney.

Để hạn chế, chính quyền quy định loại xe dã chiến này chỉ được phép chạy theo những tuyến nhất định và chủ xe ngày càng phải nộp nhiều khoản phí đắt đỏ với đủ loại giấy phép.

Ông Andres Nieto, Chủ tịch Hiệp hội tài xế Jeepney Katipunan K-Mart, cho biết nhiều doanh nhân Phillipines thậm chí đã có kế hoạch xuất khẩu Jeepney tới nhiều nước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Cùng Jeepney, Manila không thể thiếu đội ngũ 250.000 chiếc Tricycle máy và hàng chục ngàn Tricycle cải tiến từ xe đạp có mặt mọi nơi. Tricycle có giá khá rẻ với chỉ 10 - 20 peso (5.000 – 7.000 đồng) cho một “cuốc” dưới 4km.

Rẻ ở chỗ Tricycle máy có thể chở tối đa 4 người. Tricycle phải hoạt động trong các hiệp hội và chỉ được đi trong một khu vực nhất định, vì thế nếu muốn đi xa hơn người dân thường phải bắt taxi hoặc chuyển sang các phương tiện khác.

Quy định là thế nhưng ở các thành phố xa trung tâm, đội ngũ Tricycle, đặc biệt là loại cải tiến từ xe đạp thường không đăng ký và sẵn sàng “chém” đẹp khách lạ.

Chính quyền Manila ước tính có tới 90% số Tricycle máy sử dụng động cơ 2 thì nên được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu của ô nhiễm ở thủ đô.

(Còn nữa)

Kỳ I: Manila - Giấc mơ dang dở

Kỳ III: Hàng rong và nền kinh tế ngầm

MỚI - NÓNG