Những sự kiện chấn động Trung Quốc năm 2018 ​

Vụ việc "Hoàn châu cách cách" Phạm Băng Băng trốn thuế gây rúng động những người hâm nộ cô.
Vụ việc "Hoàn châu cách cách" Phạm Băng Băng trốn thuế gây rúng động những người hâm nộ cô.
TPO - “Nữ hoàng thảm đỏ” Trung Quốc trốn thuế; Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei bị bắt tại Canada; giáo sư chỉnh sửa gien người và phong trào #MeToo lan rộng… là những sự kiện chấn động Trung Quốc trong năm 2018.

“Nữ hoàng thảm đỏ” Phạm Băng Băng trốn thuế hàng triệu USD

Những sự kiện chấn động Trung Quốc năm 2018 ​ ảnh 1

Phạm Băng Băng được cho là dám trốn thuế vì có quân đội "chống lưng".

Sau khi mất tích hơn ba tháng, nữ diễn viên Phạm Băng Băng, một trong những ngôi sao giải trí được trả cát-xê cao nhất Trung Quốc, đã xuất hiện và xin lỗi những người hâm mộ vì hành vi gian lận thuế và chấp nhận nộp phạt gần 900 triệu dân tệ. Nhiều quan chức ngành thuế đã bị cách chức vì bao che cho hành động này của cô.

Sự việc bắt đầu từ hồi tháng 5 khi biên tập viên truyền hình tên Thôi Vĩnh Nguyên đăng bức ảnh hai hợp đồng mà Phạm Băng Băng đã ký để đóng cho một bộ phim về quân đội Trung Quốc. Hợp đồng Phạm Băng Băng ký với mức cát xê 1,6 triệu USD để khai nộp với cơ quan thuế, trong khi hợp đồng thứ hai là mức cát xê thực tế 7,8 triệu USD.

Vụ chỉnh sửa gien hai bé gái

Những sự kiện chấn động Trung Quốc năm 2018 ​ ảnh 2

Hiện nhà khoa học Hạ Kiến Khuê đã biến mất sau khi bị chỉ trích vì chỉnh sửa gien người.

Nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê đã gây choáng váng thế giới vào hồi tháng 11 khi tuyên bố đã tạo ra hai em bé chính sửa gien đầu tiên trên thế giới.  Theo đó, Hạ Kiến Khuê tự nhận đã tạo ra hai bé gái biến đổi gien đầu tiên trên thế giới nhờ kỹ thuật CRISPR, một phương pháp vô hiệu hóa một gen CCR5 trong bào thai vốn được virus HIV dùng để xâm nhập tế bào người nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở các em bé.

Hành động chỉnh sửa gien người đã bị cấm ở nhiều nước châu Âu và Mỹ. Bản thân nhà khoa học Trung Quốc cũng thừa nhận: "Tôi hiểu công trình của mình gây tranh cãi, nhưng tôi tin các gia đình cần kỹ thuật này và tôi sẵn sàng nhận sự chỉ trích thay họ".

Giới khoa học và đạo đức đã kịch liệt chỉ trích công trình của Hạ Kiến Khuê. Thậm chí ĐH Khoa học và kỹ thuật miền Nam ở Thâm Quyến, nơi ông Hạ giữ chức danh giáo sư, cũng lên án ông. Họ phủ nhận sự liên quan và phê phán công trình "vi phạm nghiêm trọng đạo đức hàn lâm và các chuẩn mực".

Sau khi bị chỉ trích, nhà khoa học này biến mất, nhưng trước đó anh ta đã  tiết lộ đang có thêm một ca mang thai một em bé chỉnh sửa gien. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã tiến hành điều tra vụ việc và yêu cầu Hạ Kiến Khuê không được tiến hành thêm bất kỳ nghiên cứu nào tương tự.

Phó Chủ tịch Huawei bị bắt tại Canada

Những sự kiện chấn động Trung Quốc năm 2018 ​ ảnh 3

 Bà Mạnh Vãn Châu được bảo lãnh tại ngoại tại Canada.

Vụ việc Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt trên đường quá cảnh tại Canada hồi đầu tháng 11 theo đề xuất của Mỹ do vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ và Liên minh châu Âu chống lại Iran.

Đây được cho là cú sốc đối với Bắc Kinh khi quan hệ kinh tế Trung -Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù bà Mạnh Vãn Châu, con gái và là người thừa kế của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã được bảo lãnh tại ngoại sau khi nộp khoản tiền hơn 7,5 triệu USD nhưng bà vẫn phải đối mặt với nguy cợ bị dẫn độ về Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc đã kịch liệt phản đối hành động bắt người này của Canada và dọa sẽ có những hành động đáp trả. 9 ngày sau, Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada và cáo buộc họ về các hoạt động "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc". Trung Quốc  không cho biết liệu vụ bắt giữ hai công dân Canada này có phải để trả thù Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu hay không, mà chỉ nói rằng, hai người này bị bắt giữ và bị phạt hành chính vì làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc.

Phong trào tố cáo hiếp dâm lan rộng

Những sự kiện chấn động Trung Quốc năm 2018 ​ ảnh 4

Phong trào tố cáo nạn xâm hại tình dục nơi công sở ở Trung Quốc đang lan rộng trên mạng xã hội.

Tiếp sau làn sóng tố cáo bị xâm hại tình dục chấn động nước Mỹ năm ngoái, phong trào #MeToo tiếp tục tạo nên làn sóng ở Trung Quốc vào năm 2018, đặc biệt nhằm vào các giáo sư đại học, những người đàn ông quyền lực khác như một nhà sư tên tuổi, các nhân vật hàng đầu trong giới truyền thông và các tổ chức phi chính phủ…

Phong trào này bắt đầu từ một cựu sinh viên, người đã buộc tội giáo sư tại Đại học  ở Bắc Kinh có hành vi xâm hại cô 12 năm trước. Những lời buộc tội này được đưa lên mạng truyền thông Xã hội Trung Quốc và nhanh chóng được lan truyền với hàng triệu người xem và chia sẻ.

Một cuộc khảo sát của nhà báo và là một nhà hoạt động xã hội tên là Hoàng Tuyết Tần ở Quảng Châu, người đã từng là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục, cho thấy,  có tới hơn 80% các nhà báo nữ tham gia cuộc khảo sát này thừa nhận đã bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Thương hiệu thời trang Ý bị vạ miệng

Những sự kiện chấn động Trung Quốc năm 2018 ​ ảnh 5

Các sản phẩm thời trang của Dolce & Gabbana đã bị tẩy chay tại Trung Quốc

Tháng 11  là những ngày khốn đốn với thương hiệu thời trang hàng đầu của Ý Dolce & Gabbana  tại Trung Quốc khi tài khoản mạng xã hội Instagram của nhà sáng lập thương hiệu này, nhà thiết kế Stefano Gabbana có những lời nói xúc phạm Trung Quốc.

Bức ảnh chụp màn hình đã được tung lên mạng, mặc dù Gabbana cho biết tài khoản Instagram của ông bị hack và đã đăng lời xin lỗi tới người dân Trung Quốc, nhưng không đủ để cứu vãn cho thương hiệu thời trang này  bị mất uy tín lớn tại Trung Quốc.

Các người mẫu, nhà thiết kế được mời tham gia một sự kiện thời trang lớn của D& G tại Trung Quốc đã hủy show.  Các sản phẩm của D & G bị gỡ khỏi các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như  Tmall, JD.com, Xiaohongshu và Secoo. Điểm số tín nhiệm của thương hiệu này tụt thê thảm, từ +3,3 xuống còn -11,4.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG