Những thách thức đối với Hamas

Những thách thức đối với Hamas
Chiến thắng của tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Palestine cũng đồng thời mang đến cho tổ chức này hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết.
Những thách thức đối với Hamas ảnh 1

Hamas nghe theo ai bây giờ?

Cho đến nay, sự thay đổi lớn cho cuộc sống người dân Palestine chỉ là những câu chuyện đùa.

Một lính gác biên phòng giả bộ càu nhàu rằng anh sẽ phải nhận lương tại một nhà thờ Hồi giáo. Các lái xe băn khoăn liệu khi họ vi phạm luật giao thông thì sẽ bị phạt tiền hay bị đánh roi. Người dân lâu nay gặp nhau vẫn chào hỏi một cách giản dị, thân mật thì nay lại nói những câu hết sức trịnh trọng rồi cười phá lên.

Người ta sử dụng sự hài hước để lấp đi khoảng trống mới xuất hiện, nhưng trong lòng họ đang lo sợ những điều không hay có thể sẽ đến.

Chiến thắng vang dội của Hamas hôm 25/1, giành được 74 trong số 132 ghế quốc hội, khiến mọi người ngạc nhiên và ngay cả Hamas cũng bị bất ngờ. Chiến dịch tranh cử của tổ chức này tập trung vào các vấn đề đối nội như: tham nhũng, thiếu kỷ cương và thất nghiệp.

Phát biểu của các thủ lĩnh tổ chức này chủ yếu gồm các lời lẽ chung chung như khẩu hiệu. Các câu hỏi mà mọi người dân đưa ra thì Hamas chưa hề chuẩn bị để trả lời.

Làm thế nào để thành lập một chính phủ mới mà Hamas chưa hề có kinh nghiệm? Hamas có công nhận Israel hay không? Lực lượng dân quân của Hamas sẽ gia nhập vào lực lượng an ninh của chính quyền Palestine? Liệu Hamas có thực thi bộ luật “sharia” hà khắc của đạo Hồi hay không? Hamas sẽ nhượng bộ thế nào để tiếp tục nhận được viện trợ của nước ngoài?

Người dân Palestine cũng nhấn mạnh những sự bất đồng trong nội bộ Hamas. Tổ chức này quyết định mọi việc bằng nguyên tắc nhất trí, và giữ bí mật danh tính của các nhà lãnh đạo vì lo ngại bị Israel thủ tiêu.

Nhưng trong khi những người phát ngôn theo đường lối cứng rắn nói chỉ làm việc với Israel để giải quyết các vấn đề hàng ngày, thì ông Atef Adwan, một nghị sĩ mới được bầu từ Gaza nói rằng, nếu có một đề nghị hoà bình giống như lời đề nghị trong lần thương lượng trước, tại Taba năm 2001 (hai nhà nước cùng tồn tại bên nhau, Israel trả lại hầu hết lãnh thổ đã chiếm đóng từ năm 1967, một quy chế để hai bên cùng quản lý Jerusalem và một giải pháp cho vấn đề người tị nạn Palestine), thì “Hamas sẽ suy nghĩ nghiêm túc về đề nghị này”.

Ông cũng tỏ ra mềm mỏng hơn về đường lối: Bộ luật sharia của đạo Hồi nên được coi là một nguồn chính của luật pháp Palestine, “nhưng bạn không thể đi ngược lại trào lưu của thế giới”.

Trái lại, ông Muhammad Abu Teir, một nghị sĩ của Hamas từ Jerusalem, chắc chắn rằng “bộ luật sharia là một nguồn tham khảo, và tôi không ngại khi nói như vậy”, mặc dù ông cũng nói ông thuộc về trường phái Hanafi, trường phái tự do nhất của Hồi giáo dòng Sunni.

Một nhiệm vụ trước mắt là thành lập một chính phủ. Ismail Haniyeh, người đứng đầu trong danh sách bầu cử của đảng, nói rằng nội các sẽ bao gồm những nhà kỹ trị, có thể là từ nước ngoài trở về.

Ông Adwan cho biết, một số nhà lãnh đạo Fatah đã sẵn sàng tham gia chính phủ mới. Nhưng cả công khai và trong nội bộ, nhiều quan chức Fatah từ nhiều phái khác nhau đều nói họ không muốn chia sẻ trách nhiệm về các quyết định mà họ không có khả năng ngăn cản.

Fatah cũng phải lo hàn gắn những chia rẽ nội bộ. Và họ cũng muốn để xem Hamas sẽ phải tự mình giải quyết vô số các vấn đề của Palestine như thế nào. Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, một người Fatah, đã có cuộc gặp đầu tiên với các nhà lãnh đạo Hamas về việc lập chính phủ mới.

Các nhà tài trợ nước ngoài nói rằng Hamas phải công nhận Israel và từ bỏ chủ nghĩa khủng bố để tiếp tục nhận được viện trợ nước ngoài, nhưng họ không nói rõ lúc nào thì có viện trợ đó. Ông Ziad Abu Amr, một nghị sĩ độc lập thân Hamas nói,  Hamas không muốn nhượng bộ nếu không nhận được sự “đảm bảo chắc chắn” về viện trợ.

Phía sau hậu trường, Mỹ tỏ ra rất cứng rắn: tuần này Dự luật Hỗ trợ Dân chủ Palestine đã được gửi tới quốc hội Mỹ đưa ra những điều kiện khắt khe cho việc viện trợ cho chính quyền Palestine. Các nước châu Âu thì có lập trường khác nhau và đang trao đổi về vấn đề quan hệ với Palestine.

Tại Palestine, mọi người đang chờ xem Hamas sẽ mang lại cho họ những gì. Để khẳng định quyền lực của họ, Hamas phải đưa các nhóm dân quân vào lực lượng an ninh của chính quyền Palestine vốn đã rất đông đảo và sau đó giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người sẽ bị mất việc.

Đó sẽ là thách thức lớn nhất đối với Hamas trong giai đoạn đầu. Và có thể đó sẽ là một trong những điều kiện đầu tiên của phương Tây để tiếp tục viện trợ cho Palestine.

Theo Nhân Dân/The Economist

MỚI - NÓNG