Những thách thức với tân Giáo hoàng Benedict XVI

Những thách thức với tân Giáo hoàng Benedict XVI
Ngày 20/4, trong thông điệp đọc tại nhà nguyện Sistine, Giáo hoàng cam kết tiếp tục thực hiện cuộc cải cách Giáo hội. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngài là đoàn kết Thiên chúa giáo...
Những thách thức với tân Giáo hoàng Benedict XVI ảnh 1
Giáo hoàng Benedict XVI

Đức Hồng y Joseph Ratzinger, người Đức, trở thành người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa với hơn 1 tỷ tín đồ và lấy tước hiệu là Benedict XVI. Ở tuổi 78, ngài được xem là vị Giáo hoàng cao tuổi nhất được bầu chọn trong vòng 100 năm qua. Đây cũng là một trong những cuộc bầu chọn Giáo hoàng nhanh nhất trong lịch sử, chỉ trải qua hơn 24 giờ.

Ngày 20/4, trong thông điệp đọc trước sự chứng kiến của các Hồng y tại nhà nguyện Sistine, Giáo hoàng cam kết tiếp tục thực hiện cuộc cải cách Giáo hội. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngài là đoàn kết Thiên chúa giáo, đối thoại với các tôn giáo khác và sẽ nỗ lực hết mình, bằng những hành động cụ thể cho một thế giới ngày càng tốt đẹp. Tân Giáo hoàng sẽ chính thức được tấn phong vào ngày 24/4.

Kết quả không nằm ngoài dự đoán và còn cho thấy, các Hồng y đã tiến hành bầu chọn theo khuynh hướng tìm một người có những phẩm chất và quan điểm giống như người tiền nhiệm, Giáo hoàng John Paul II. Các Hồng y không muốn có sự xáo trộn, thay đổi trong Giáo hội Thiên chúa trong thời điểm này và nghiêng về một người cao tuổi, ổn định như Hồng y Ratzinger. Điều này cũng có nghĩa sẽ không có đường lối uyển chuyển của Giáo hội Thiên chúa trong vấn đề nổi cộm của nhân loại.

Tân Giáo hoàng Benedict XVI được đánh giá có thể đứng ra bảo vệ giáo lý và xứng đáng làm người kế tục sự nghiệp của Giáo hoàng John Paul II. Ngài đứng đầu Bộ Giáo lý đức tin từ năm 1981 và là một trong những nhân vật thân cận nhất của Giáo hoàng John Paul II. Là người học rộng, quảng giao nên được thế giới biết đến nhiều và có lối sống rất bình dân...

Tuy nhiên, điều tín đồ Thiên chúa giáo e ngại nhất là liệu tân Giáo hoàng có đủ sức khoẻ để tiếp bước những sứ mệnh lớn lao hay không vì trước đây Giáo hoàng John Paul II đã trải qua những năm tháng vật lộn với bệnh tật.

Đi theo đường lối cứng rắn, bảo thủ, tân Giáo hoàng Benedict XVI sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ngài phải đối mặt với sức ép rất lớn từ thế giới bên ngoài và những người có đường lối uyển chuyển trong chính Giáo hội Thiên chúa xung quanh vấn đề phản đối hôn nhân đồng tính, nạo phá thai...mà Giáo hoàng John Paul II theo đuổi. Mối quan hệ giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng đất trên thế giới, các cuộc xung đột, đại dịch Aids...được xem là những nhiệm vụ nặng nề nhất dưới triều đại của tân Giáo hoàng Benedict XVI.

Được hầu hết các Hồng y ủng hộ, nhưng để giành được lòng tin của hơn 1 tỷ tín đồ, trước hết Giáo hoàng Benedict XVI phải giải quyết được những vấn đề trong chính Giáo hội Thiên chúa. Ngài sẽ phải khắc phục ngay tình trạng thiếu linh mục, nữ tu sĩ và việc sụt giảm số lượng tín đồ Thiên chúa giáo ở châu Âu. Ngài phải nâng cao uy tín của Giáo hội sau những vụ tai tiếng gần đây của các mục sư ở Mỹ. Tân Giáo hoàng còn phải đưa ra quyết định dứt khoát xung quanh việc có cho phép linh mục kết hôn hay không...

MỚI - NÓNG