Nike-Amazon bắt tay và ‘cái tát’ vào các nhà bán lẻ thể thao

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Chương trình thí điểm của Nike bán một số sản phẩm nhất định trên Amazon và Instagram là bước khởi đầu của mối quan hệ với các nhà bán lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, cái bắt tay trên đồng thời cũng là “cái tát” vào các nhà bán lẻ trực tiếp đồ thể thao nổi tiếng thế giới.

Hợp đồng này dự kiến sẽ giúp Nike Inc (NKE.N) loại bỏ các sản phẩm giả mạo được bán thông qua các đại lý không có giấy phép trực tuyến và kiểm soát chặt hơn khâu phân phối của hãng, đồng thời nâng cổ phần của công ty tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng gần đây.

Nike đã xác nhận một số thông tin trong bản báo cáo ngày 21/6 của Goldman Sachs cho biết công ty sẽ tung ra các sản phẩm mới của họ trên mạng lưới của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới này.

Ngay lập tức, cổ phiếu của các nhà bán lẻ hàng thể thao lớn nhất nước Mỹ Foot Locker Inc (FL.N) đã giảm gần 2%, Hibbett Sports Inc (HIBB.O) 6,8% và Big 5 Sporting Goods Inc (BGFV.O) giảm 5,3%.

Thẩm phán Graham, giám đốc tiếp thị của công ty nghiên cứu thị trường Ansira nói với Reuters: “Ngay lập tức, mọi thứ bị đảo lộn. Việc Nike tăng khả năng đầu tư phân phối bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng cũng như hợp tác qua kênh trực tuyến Amazon đặt tất cả các nhà bán lẻ trực tiếp trong tình trạng lo lắng”.

Doanh thu bán buôn của các nhà bán lẻ trực tiếp hàng thể thao với các nhãn hàng của Nike sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu hợp tác của Nike với Amazon mở rộng ra ngoài chương trình thí điểm hiện tại.

Thị trường hàng thể thao vốn đã gặp nhiều rắc rối với việc một số nhà bán lẻ như Sports Authority đã nộp đơn xin phá sản. Do vậy, thương vụ này của Nike có thể đẩy các nhà bán lẻ hiện tại phải đóng cửa thêm nhiều cửa hàng, các nhà phân tích thị trường cho biết.

Các sản phẩm của Nike trước đây đã được bán trên Amazon thông qua các đại lý của bên thứ ba không có giấy phép, có thể đã thu được doanh số đạt 300 triệu USD đến 500 triệu USD chỉ riêng thị trường Mỹ hoặc chiếm 1% doanh thu toàn cầu thông qua mở rộng bán hàng như một đại lý trên mạng lưới Amazon, Goldman Sachs cho biết.

Nhưng theo ông John Zolidis, một nhà phân tích của Quo Vadis Capital Inc., Nike vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các kênh bán buôn chiếm đến 2/3 tổng doanh thu nên Hãng sẽ phải rất thận trọng khi thực hiện bất kỳ một động thái chuyển đổi mạnh nào nhằm bán trực tiếp trên Amazon.

Để đạt được sự cân bằng, Nike có thể dỡ bỏ một số sản phẩm của mình trên Amazon, trong khi hãng vẫn sẽ tung ra các thỏa thuận độc quyền trên từng mặt hàng với các đối tác lâu năm của Hãng, các nhà phân tích cho biết.

Maya Mikhailov, đồng sáng lập công ty phát triển ứng dụng bán lẻ di động GPShopper cho biết: "Thị trường các mặt hàng giới hạn có thể nên do các cửa hàng bán lẻ trực tiếp điều phối. Điều làm cho phiên bản giới hạn thú vị là tìm hiểu về các sản phẩm mà các cửa hàng có qua ứng dụng giới thiệu sản phẩm của họ, đi đến cửa hàng lựa chọn, ngắm nghía và người tiêu dùng là một phần của toàn bộ trải nghiệm sưu tập, tìm kiếm sự thú vị đó tại các cửa hàng trên phố".

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG