Nobel Vật lý về tay hai tác giả “Hạt của Chúa”

Nobel Vật lý về tay hai tác giả “Hạt của Chúa”
TP - Ngày 8/10, giải Nobel Vật lý 2013 được Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao cho nhà khoa học Bỉ Francois Englert và nhà khoa học Anh Peter Higgs, vì có công dự đoán sự tồn tại của hạt Higgs (còn gọi là “Hạt của Chúa”), giúp giải thích nguồn gốc khối lượng của các hạt hạ nguyên tử để từ đó tạo nên vật chất hữu hình trong vũ trụ.

> Mỹ, Đức chia nhau giải Nobel Y học 2013
> Nhà khoa học Mỹ, Đức nhận Nobel Y học

Nửa thế kỷ sau dự đoán của họ, các nhà khoa học tại Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) đã chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs. Ngày 4/7/2012, hai nhóm nghiên cứu ATLAS và CMS, mỗi nhóm gồm khoảng 3.000 nhà khoa học, tìm ra hạt Higgs từ hàng tỷ vụ va chạm hạt bên trong máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới LHC.

Đây được coi là một trong những khám phá quan trọng nhất trong vật lý. Lý thuyết của hai nhà khoa học Englert và Higgs là yếu tố trung tâm trong Mô hình chuẩn về vật lý hạt, trong đó mô tả cách thức tạo nên thế giới.

Theo Mô hình chuẩn, mọi vật từ bông hoa đến con người, ngôi sao hay các hành tinh, đều được tạo nên từ các hạt vật chất. Những hạt vật chất này được điều khiển bởi các lực mà trung gian là hạt lực để bảo đảm mọi thứ hoạt động theo đúng cách.

Toàn bộ Mô hình chuẩn dựa trên sự tồn tại của một loại hạt đặc biệt: hạt Higgs. Loại hạt này có nguồn gốc từ vùng vô hình lấp đầy vũ trụ. Dù vũ trụ trông như thể trống rỗng, nhưng thực tế vùng này vẫn tồn tại. Không có nó, chúng ta sẽ không tồn tại, vì đó là nơi các hạt đạt lấy khối lượng. Lý thuyết do hai nhà khoa học Englert và Higgs đưa ra mô tả quá trình này.

Dù việc phát hiện ra hạt Higgs, mảnh ghép còn thiếu trong Mô hình chuẩn, là thành tựu lớn, nhưng Mô hình chuẩn vẫn chưa phải mảnh ghép cuối cùng trong mô hình vũ trụ.

Một trong những lý do là Mô hình chuẩn coi một số loại hạt, như hạt sơ cấp neutrino, gần như không có khối lượng. Lý do nữa là mô hình này chỉ mô tả vật chất hữu hình - chiếm 1/5 vật chất trong vũ trụ. Tìm ra vật chất tối bí ẩn là một trong những mục tiêu mà các nhà khoa học tiếp tục truy lùng các hạt mà con người chưa biết đến.

Nhà khoa học 81 tuổi Englert, Giáo sư danh dự tại ĐH Brussels và nhà khoa học 84 tuổi Higgs, Giáo sư danh dự tại ĐH Edinburgh, sẽ chung nhau số tiền thưởng 1,25 triệu USD.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG