Nội các Nhật có thể điều quân chỉ bằng một cú điện thoại

Binh sĩ Nhật trong một cuộc tập trận tái chiếm đảo - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Nhật trong một cuộc tập trận tái chiếm đảo - Ảnh: Reuters
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch đơn giản hóa quy trình triển khai Lực lượng phòng vệ để đối phó các nguy cơ an ninh.

Theo báo Nhật Asahi Shimbun ngày 19.1, mục đích của kế hoạch sửa đổi này là nhằm tăng cường tính sẵn sàng của Lực lượng phòng vệ để bảo vệ các khu vực Tokyo tuyên bố chủ quyền. Theo đó, trong các tình huống khẩn cấp, mọi thành viên nội các Nhật đều có thể ra lệnh triển khai tác chiến chỉ bằng một cuộc gọi điện thoại. 


Lâu nay, chỉ có các sĩ quan cấp cao thuộc Lực lượng tuần duyên được trao quyền hạn này và trên lý thuyết, họ có thể huy động cả tàu khu trục đến vùng biển đang bị đe dọa. Nếu việc sửa đổi được thông qua, chính quyền Nhật có thể nhanh chóng hành động ngay khi có lực lượng quân sự và bán quân sự nước ngoài xuất hiện trong khu vực mà nước này coi là thuộc chủ quyền của mình.

Tuy báo chí Nhật không nêu cụ thể nước nào nhưng Hoàn Cầu thời báo cho rằng mục tiêu chính của kế hoạch nói trên là nhằm vào các hoạt động của Trung Quốc xung quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Mặt khác, một số chuyên gia lo ngại rằng việc mở rộng quyền hạn điều quân của Nhật có thể làm gia tăng nguy cơ đụng độ tại khu vực tranh chấp. 

Đầu tuần trước, giới chức Tokyo và Bắc Kinh đã có cuộc họp kín về cơ chế quản lý khủng hoảng và ngăn chặn xung đột trên biển nhưng không đạt được kết quả đột phá lớn nào ngoại trừ việc nhất trí lập đường dây nóng, theo tờ South China Morning Post. Ngay sau đó, chính phủ Nhật công bố ngân sách quốc phòng dành cho năm tài khóa 2015 - 2016 là 42 tỉ USD, tăng 2% so với tài khóa 2014 - 2015 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong một diễn biến khác, tờ Chosun Ilbo ngày 19.1 dẫn lại thông tin từ báo International Herald Leader, một phụ trương của Tân Hoa xã, nói quân đội Trung Quốc đã triển khai tên lửa DF-21 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại khu vực do nước này quản lý trên núi Baekdu.

Theo Chosun Ilbo, DF-21 có thể vươn tới bất kỳ mục tiêu nào tại Hàn Quốc và Nhật, bao gồm cả lực lượng Mỹ đóng tại Okinawa. Tờ báo dẫn lời Giáo sư Cho Yang-hyun thuộc Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc nhận định: “Nếu Trung Quốc triển khai tên lửa DF-21 trên núi Baekdu thì đó là một sự cảnh cáo đối với liên minh quân sự giữa Seoul, Washington và Tokyo”. 

Ngọn núi này, còn được gọi là núi Trường Bạch, nằm giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Cả CHDCND Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều xem đây là ngọn núi thiêng liêng, là nơi khởi phát của dân tộc Triều Tiên nói chung. Vì thế, dù Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã có thỏa thuận phân chia cắm mốc trên núi Baekdu nhưng dư luận tại Seoul vẫn tỏ ra quan ngại, không hài lòng mỗi khi Trung Quốc có hoạt động nào tại đây, theo tờ DongA Ilbo. Các bên liên quan chưa có phản ứng về thông tin trên.

Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG