Khám phá Iran - Kỳ II

Nụ cười thay vũ khí

Nụ cười thay vũ khí
TP - Khu lăng tẩm Shah e Cheragh (vua của ánh sáng) đóng cửa với những người không theo Hồi giáo trong ba năm qua nên chúng tôi phải đi qua một khu chợ để vào bằng lối sau.

>> Kỳ I: Thăm giáo đường Do Thái ở Tehran

Nụ cười thay vũ khí ảnh 1
Thành phố Shiraz, nơi có mộ của nhà thơ Hafez

Một người trông cửa trẻ tuổi chào đón chúng tôi bên trong với điều kiện Annette, bạn tôi, phải mặc chador phủ kín từ đầu tới chân cô và chúng tôi không được vào bên trong khu thờ chính.

Các tín đồ đang bận rộn với việc thể hiện sự tôn kính đối với những gì còn lại của Sayyed Mir Ahmad, người qua đời tại thành phố này năm 835 sau CN. Người gác cổng hỏi chúng tôi từ đâu đến và mỉm cười nói: “Chào mừng tới Iran”. Anh còn hỏi chúng tôi vài câu liên quan đến nước Anh như “tiểu thuyết gia nổi tiếng Charles Dickens được chôn ở đâu?”. 

Đến Iran, người nước ngoài thường tập trung vào ba địa điểm được xem như sự kết tinh của quốc gia Hồi giáo này: Nơi ra đời đế chế Ba Tư của Cyrus Đại đế năm 550 trước CN; Thành phố Isfahan, nơi hình thành nhà nước Shia của Shah Abbas vào thế kỷ 16 và những gì còn lại của nhà thơ nổi tiếng Hafez (thế kỷ 14).

Một cuộc gặp khác cũng gây ấn tượng là với anh Abbas và vợ tại ngôi làng có nước đen ngòm và đầy bụi bẩn Imamzadeh Bazm. Trước đó, chúng tôi lên kế hoạch hạ trại hai đêm với dân du cư Qashqai, nhưng hạn hán khiến cuộc hành trình dài 500 km từ vùng Vịnh bị chậm lại.

Thay cho việc sống cùng 1.700 gia đình ở vùng thảo nguyên đầy cỏ, chúng tôi gặp gia đình anh Abbas ở làng Imamzadeh Bazm. Gia đình anh sống bình dị, nhưng sạch sẽ và thoải mái.

Vợ anh đang nấu nướng cho ngày lễ hội: cà tím trộn với sữa chua và lá bạc hà; nấm với súp lúa mạch; dưa chua; rau diếp trộn với dấm và bữa sáng với trà cùng nước hoa quả, tiếp theo là pho mát trộn quả hạch.

Tuy nhiên, ấn tượng hơn tất cả là những người chúng tôi gặp. Đó là nhóm nam tuổi teen mặc áo sơ mi hợp thời trang, tóc chải gọn gàng, luôn mỉm cười với chúng tôi và nói “Salaam” (Xin chào).

Sau khi biết quốc tịch của chúng tôi, nhóm bạn trẻ đề nghị chụp ảnh chung bằng điện thoại di động. Nhóm học sinh cười rạng rỡ và hỏi chúng tôi nghĩ gì về người Iran, có cho rằng Iran là xấu xa và liệu Iran có quyền sản xuất năng lượng nguyên tử không? (họ không đề cập đến vũ khí nguyên tử).

Còn về nước Mỹ. “Họ nghĩ tất cả chúng tôi là khủng bố”, một người đàn ông bán hàng thiết bị vệ sinh bên ngoài khu chợ chính ở thủ đô Tehran vừa cười và nói với chúng tôi. Ông còn vẫy vẫy vài sản phẩm của mình về phía chúng tôi và nói đùa: “Nhìn đây. Vũ khí hủy diệt hàng loạt đây”.

Những cử chỉ mến khách rất đơn giản của họ tiếp tục gây ấn tượng với chúng tôi. Những người phụ nữ mời chúng tôi uống trà khi họ đang chăm sóc mộ của người thân. Một người đàn ông mời chúng tôi dùng bữa tối khi chúng tôi đề nghị chụp ảnh chung với anh trên cầu và vài người khác cho chúng tôi số điện thoại của họ, phòng trường hợp chúng tôi cần trợ giúp về ngôn ngữ.

Phụ nữ Iran không e ngại với chúng tôi dù ăn mặc kín đáo theo kiểu phụ nữ Hồi giáo. Nhóm khách du lịch người Italia mà chúng tôi gặp cũng không câu nệ về trang phục như khuyến cáo.

Tại Tehran, chúng tôi có thể mua nước chanh từ cửa hàng giải khát. Chúng tôi tới phía bắc thành phố để mua bánh pizza, nước cà rốt và sau đó khám phá các di tích cùng với hàng chục gia đình người Iran khác.

“Mời dừng chân và uống trà”, chúng tôi được mời nhiều lần. “Mời dùng ít quả hạnh. Nói với mọi người ở Anh về sự thực ở Iran”, người Iran nói với chúng tôi. 

D.H
Theo The Times, BBC

MỚI - NÓNG