Nữ Phó Tổng thống đầu tiên ở Nam Phi: Thủ lĩnh của người da đen

Nữ Phó Tổng thống đầu tiên ở Nam Phi: Thủ lĩnh của người da đen
Ngày 22/6, Bà P.Mlambo-Ngcuka đã trở thành Phó Tổng thống đầu tiên Của Nam Phi. Quyết định này của Tổng thống T.Mbeki đã làm ngỡ ngàng cả nước Nam Phi.

Năm nay 49 tuổi, bà P.Mlambo-Ngcuka đã trở thành nữ Phó Tổng thống và chính trị gia có chức vụ cao nhất trong lịch sử Nam Phi. Việc bà P.Mlambo-Ngcuka được bổ nhiệm đã được sự ủng hộ của các đảng đối lập, các doanh nghiệp cũng như đông đảo dân chúng.

Nam Phi hiện được coi là đầu tàu phát triển kinh tế ở châu Phi với thực lực rất hùng hậu. Ngành mỏ - trụ cột kinh tế của nước này đang trải qua cuộc cách mạng lớn chưa từng thấy.

Người da đen vốn chiếm tới 79% dân số Nam Phi đang tìm cách giành quyền sở hữu các khu mỏ từ tay thiểu số người da trắng. Người da đen đã giành thắng lợi ngay trong cuộc bầu cử không phân biệt chủng tộc đầu tiên năm 1994 và nắm quyền lãnh đạo đất nước từ đó.

Hơn 10 năm qua, tuy họ đã đổi đời về chính trị nhưng tuyệt đại đa số vẫn còn sống trong cảnh nghèo nàn, các huyết mạch kinh tế và tài nguyên vẫn nằm trong tay người da trắng.

Các khu mỏ kim loại quý như vàng, bạch kim, sắt rồi kim cương, than đều do người da trắng nắm giữ và lũng đoạn. Để thay đổi tình trạng này, Chính phủ do Tổng thống Thabo Mbeki lãnh đạo ngày 1/5/2004 đã ban hành “Luật khai thác tài nguyên khoáng sản và dầu khí”, thực hiện chính sách “hoặc là sử dụng, hoặc thu hồi”, dự tính trong vòng 5 năm tới nhà nước sẽ giành quyền sở hữu mọi mỏ khoáng sản và dầu khí.

Là một nhà chính trị nổi tiếng, lập trường của bà P.Mlambo- Ngcuka rất kiên định. Bà đặc biệt quyết đoán trong hành động “nâng cao thực lực kinh tế của người da đen”, luôn đi tiên phong sát cánh bên cạnh Tổng thống trong việc giành lại tài nguyên từ tay người da trắng.

Bà là người phụ nữ luôn đi tiên phong trong mọi việc và phát biểu thẳng thắn nên được nhiều người da đen ủng hộ. Được biết, thực thể kinh tế do ANC kiểm soát đến tháng 2/2005 đã nắm giữ 24 khu mỏ trong đó có các tài nguyên quan trọng: sắt, mangan, vàng, kim cương… đặt cơ sở cho sự tăng trưởng đột biến về kinh tế của người da đen.

Dư luận cho rằng, việc ông T.Mbeki bổ nhiệm bà P.Mlambo-Ngcuka làm Phó Tổng thống cho thấy Nam Phi sẽ để cho phụ nữ phát huy vai trò lớn hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, đồng thời nhấn mạnh hơn địa vị kinh tế của người da đen, sẽ tạo ảnh hưởng lớn lao đến kinh tế của người da đen.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là tuy được sự ủng hộ của đông đảo người da đen, nhưng bà P.Mlambo-Ngcuka không phải là người thập toàn thập mỹ, trái lại, bà là một nhân vật gây tranh cãi.

Chồng bà từng là Viện trưởng Kiểm sát Quốc gia, đã tiến hành điều tra về tham nhũng của ông J.Zuma hồi năm 2003. Hồi đó do chưa đủ chứng cứ và do sức ép của Đảng ANC nên ông đã không những không hạ bệ được ông J.Zuma mà bản thân còn lâm vào tình cảnh khó xử, phải từ bỏ chính trị để quay sang kinh doanh.

Sau khi bà P.Mlambo-Ngcuka được bổ nhiệm, lập tức rộ lên ý kiến nói Tổng thống Mbeki đã chọn bà vì một sự đánh đổi. Bà P.Mlambo-Ngcuka còn đứng trước sự thử thách gay cấn khác: trong một vụ bê bối về dầu lửa gây chấn động Nam Phi mới đây, em trai bà là Bongo Ngcuka đã bị cáo giác vòi vĩnh 5 vạn Rant của một Cty đầu tư.

Ngay sau khi Tổng thống Mbeki bổ nhiệm bà, đảng đối lập lớn nhất là Liên minh Dân chủ đã lập tức ra tuyên bố đòi bà phải làm rõ sự liên quan đến vụ việc này.

Trước khi quyết định bổ nhiệm bà P.Mlambo-Ngcuka được tuyên bố, một số nhà bình luận chính trị Nam Phi đã cho rằng việc bổ nhiệm bà là một sự mạo hiểm chính trị của ông Mbeki vì chỉ cần bà có bất cứ liên quan gì đến hai từ “tham nhũng” là sẽ hứng chịu đòn tấn công của các kẻ thù chính trị.

Việc ông Mbeki bãi chức J.Zuma được nhìn nhận không phải là thực sự đánh vào tham nhũng mà chỉ thuần tuý là một cuộc đấu tranh chính trị.

MỚI - NÓNG