Núi lửa có làm tan băng

Núi lửa có làm tan băng
TP - Khả năng ngọn núi lửa Baekdu nằm trên bán đảo Triều Tiên “thức giấc” trở thành lý do để hai miền Triền Tiên tiến hành hai cuộc họp nhằm đánh giá nguy cơ cũng như thành lập dự án hợp tác nghiên cứu chung về núi lửa vào 29-3 và ngày 12-4 tới.

> Hàn Quốc - Triều Tiên hợp tác về nghiên cứu núi lửa

Mặc dù cuộc gặp chỉ được tổ chức trong khuôn khổ cấp chuyên gia dân sự, nhưng theo đánh giá của giới quan sát, đây có thể sẽ là “kênh liên lạc” hữu hiệu để góp phần làm “tan băng” trên bán đảo Triều Tiên.

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vừa trải qua một năm giông tố sau vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh đắm trên vùng biển tranh chấp giữa hai miền mà “thủ phạm” bị phía Hàn Quốc cho là do ngư lôi của CHDCND Triều Tiên và đỉnh điểm là các cuộc đấu pháo giữa hai miền xảy ra hồi tháng 11-2010.

Từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận, đồng thời cùng Mỹ tổ chức một số cuộc tập trận chung nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của nước này. Đáp lại, Triều Tiên cũng có thái độ gay gắt không kém khi một mực khẳng định không liên quan gì tới vụ tàu Cheonan, đồng thời tuyên bố sẽ giáng trả không khoan nhượng những hành động “khiêu khích” của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sức tàn phá khủng khiếp của thảm họa động đất - sóng thần xảy ra tại Nhật Bản ngày 11-3 vừa qua có thể khiến những cái “đầu nóng” trên bán đảo Triều Tiên phải suy nghĩ lại. Sức mạnh của súng đạn có ý nghĩa gì nếu đem so với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Theo một phân tích, núi lửa Baekdu, ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên, phun trào có thể đưa vào không khí hàng triệu tấn tro bụi. Lượng tro bụi này có thể khiến Bán đảo Triều Tiên không có ánh nắng Mặt Trời trong hai tháng. Kéo theo đó, nhiệt độ trung bình ở khu vực này sẽ giảm thêm 20 độ C.

Hậu quả là, hầu hết các nguồn lương thực, thực phẩm của Triều Tiên có thể sẽ bị hủy hoại hoàn toàn và nạn thiếu lương thực, thực phẩm ở nước này thêm trầm trọng. Cùng nằm trên Bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc khó có thể khoanh tay với thảm họa nhân đạo nếu xảy ra ở miền Bắc.

Vậy là căng thẳng còn đấy song hai miền Triều Tiên nhận thức được rằng họ đang ở trên cùng một con thuyền và có trách nhiệm tương đương nhau để bảo vệ người dân trước thảm họa thiên tai. Và như thế, chính nó, cái ngọn núi Baekdu ấy có thể sẽ làm tan đi băng giá trong quan hệ giữa hai miền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG