Nước cờ chính trường

Nước cờ chính trường
TP - Hạ viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết khiển trách Tổng thống Barack Obama về việc tiếp tục duy trì vai trò của Mỹ trong các chiến dịch quân sự của NATO tại Libya. Động thái này thực chất chỉ là một chiêu bài của phe Cộng hòa nhằm gia tăng sức ép với ông chủ Nhà Trắng khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

> NATO không kích dữ dội Libya
> Nga nhảy vào Libya, vì sao?

Một điều tương đối rõ ràng là ông Obama không có ý định rút quân khỏi Libya, nhưng ông cũng không muốn mở rộng vai trò của Mỹ trong cuộc chiến này. Vì thế, nhiều khả năng Washington và NATO có thể tăng cường các hoạt động trên khắp các mặt trận.

Hơn nữa, khi lập trường của Nga đối với vấn đề Libya đã có sự thay đổi rõ rệt theo hướng ngả theo phương Tây và quan điểm của Trung Quốc cũng có dấu hiệu “đổi chiều”, các nước đồng minh có thể sẽ lạc quan hơn với khả năng sớm thực hiện được mục tiêu lật đổ nhà lãnh đạo Gadhafi. Vì thế, việc yêu cầu Nhà Trắng rút khỏi chiến dịch quân sự của NATO vào thời điểm hiện nay xem ra là “điều không tưởng”.

Theo Nghị quyết “Quyền hạn chiến tranh năm 1973”, bộ luật được Quốc hội Mỹ thông qua sau cuộc chiến tranh Việt Nam để hạn chế khả năng gây chiến của một tổng thống, Nhà Trắng chỉ có thể triển khai quân tại một khu vực chiến sự trong vòng 60 ngày và cần có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã từ chối xác định chiến dịch tại Libya là một cuộc chiến tranh và cho rằng nghị quyết đó không áp dụng với “một hành động quân sự hạn chế do Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ có giới hạn cho NATO tại Libi”.

Ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết khiển trách Tổng thống Obama, Nhà Trắng đã ngay lập tức phản ứng rằng đó là một nghị quyết “vô bổ” và “không cần thiết”.

Thực chất, việc khiển trách Tổng thống Obama chỉ là một “nước cờ” của phe Cộng hòa nhằm hạ thấp uy tín của ông và ngăn cản cơ hội ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Sau chiến dịch đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan, uy tín của ông chủ Nhà Trắng đã gia tăng rõ rệt. Tỷ lệ ủng hộ ông tiếp tục nắm giữ cương vị tổng thống có chiều hướng tăng lên. Vì thế, sức ép của phe Cộng hòa trong vấn đề Libya có thể sẽ chỉ là rào cản nhỏ trước những toan tính chính trị lớn của ông Obama.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG