Nước Nga lên cơn "sốt" muối

Nước Nga lên cơn "sốt" muối
Những người mua hàng ở Nga đổ xô đi mua muối, sau khi có tin đồn thất thiệt Ukraina sẽ trả đũa họ về vụ năng lượng, bằng cách không xuất khẩu muối sang nước này. 
Nước Nga lên cơn "sốt" muối ảnh 1

Ảnh minh họa

Việc mua muối hàng loạt đẩy giá mặt hàng này lên cao tới 20 lần và các cửa hàng ở Nga hết sạch hàng.

Sốt muối có vẻ như được bắt đầu khi một quan chức Nga ám chỉ rằng Ukraina có thể giảm nguồn muối cấp cho Nga, để trả đũa việc Matxcơva tăng giá khí đốt bán cho nước này.

Trên thực tế, Ukraina, vốn cấp hơn 40% nhu cầu muối cho xứ bạch dương, chưa từng đưa ra lời đe dọa như vậy, mặc dù Nga cũng cấm nhập thịt và các sản phẩm sữa của quốc gia láng giềng này.

Đối với nhiều người Nga, tin đồn khiến họ nhớ lại ký ức phải xếp hàng trong hàng giờ đồng hồ dưới trời tuyết lạnh thời kỳ Liên Xô (cũ). Khi đó, những người phụ nữ còn phải mang theo những chiếc túi lưới to để đựng hàng.

Việc thiếu muối đáng lo với người Nga hơn nhiều nước khác, vì theo truyền thống nó được dùng để ăn kèm bánh mỳ trong đám cưới và các buổi lễ chào mừng. Ngoài ra, người ta thường sử dụng nó để bảo quản dưa chuột và các loại rau.

Ở vùng Tula (miền trung nước Nga), nơi có vị quan chức đưa ra lời nhận xét bâng quơ nói trên, người dân đổ vào các cửa hàng và khu chợ, đẩy giá muối từ 3 rúp (khoảng 1.600 đồng) lên 60 rúp/kg.

Sergei Kuznetsov, đứng đầu Vụ Doanh nghiệp và Chợ ở Tula, cho biết đa số những người mua là người già.

“Điều này chủ yếu là do ký ức từ thời chiến tranh, khi muối là một trong những thứ khan hiếm và có nhu cầu mua lớn nhất. Giờ đây, chúng tôi bị ngập trong các cuộc điện thoại của những người già. Họ thậm chí chưa ghé qua các cửa hàng và không cần nhìn tận mắt cảnh tượng thiếu muối. Họ chỉ đơn giản là sợ hãi”.

Ông nói ông không rõ vị quan chức nào đã đưa ra những nhận xét làm bùng lên cuộc khủng hoảng nói trên.

Nỗi hoảng sợ lan sang các vùng lân cận trong tuần qua và đến cuối tuần trước, nó đã đến Matxcơva - bất chấp những lời trấn an của các quan chức là các nhà kho vẫn chất dủ hàng. Tại siêu thị trên đường Dorogomilovsky ở trung tâm Matxcơva, chỉ duy có loại muối đắt tiền là còn trên giá.

“Chúng tôi hết muối thường từ tuần trước”, Osaka, phụ trách một cửa hàng, cho biết. “Tôi không biết tại sao dân tình mua nhiều muối đến thế”.

Đài truyền hình cũng chiếu cảnh người dân xếp hàng mua muối ở thành phố Zheleznodozhny, gần Matxcơva. Các biển đề “Hết muối” được treo tại các cửa hàng ở các vùng Belgorod, Oryol, Kursk, Tambov và Kaluga. Tại một số khu vực, khủng hoảng muối kéo theo cơn sốt các nhu yếu phẩm khác như đường và bột mỳ.

Bộ trưởng Chính sách Ruộng đất Ukraina hôm qua cho biết họ đã tăng gấp đôi lượng muối xuất sang Nga trong mấy ngày qua.

Ukraina xuất khẩu 1,97 triệu tấn muối mỗi năm sang Nga, nước tiêu thụ khoảng 4,5 triệu tấn/năm.

Alesander Zaturanov, giám đốc thương mại của Artemsol, nhà sản xuất muối lớn nhất Ukraina, cho biết công ty của ông đã tăng nguồn cung sang Nga lên 50%.

“Quan điểm của chúng tôi là cung cấp đủ lượng muối mà khách hàng yêu cầu”, ông bình luận. “Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng người ta không thể ăn muối nhiều hơn mọi khi, vì vậy họ sẽ làm gì với lượng muối dư đó? Dĩ nhiên, khi bán được nhiều hàng hơn thì cũng đáng mừng, nhưng sự hỗn loạn thì không có gì hay ho”.

Sốt muối diễn ra sau cơn khủng hoảng rượu vodka hồi tháng 1. Một sai lầm do thói quan liêu khiến gần như tất cả các xí nghiệp sản xuất vodka của Nga phải nghỉ làm trong cả tháng.

Chính phủ công bố dùng tem thuế cho rượu vào đầu năm, nhưng tới giữa tháng 2 mới chuyển cho các nhà sản xuất, làm cho nguồn cung thiếu trầm trọng.

Chính phủ Nga lại khiến nỗi lo thiếu hàng và tăng giá quay trở lại khi họ mới đưa ra thông báo mùa đông khắc nghiệt đã gây thiệt hại 30% sản lượng thu hoạch mùa đông.

Lịch sử về muối ở Nga

Thế kỷ II trước CN: Nơi làm muối đầu tiên của Nga được lập ra gần hồ Danilovo, ở vùng Samarsk.

Năm 1581: Nhà sản xuất muối của Nga, Maxim Stroganov, cấp tiền cho cuộc hành trình chinh phục Siberia của người Cossack.

Năm 1648: Các nông dân Nga xông vào điện Kremlin và đốt nhà của các thương nhân, sau khi Sa hoàng tìm cách áp dụng thuế muối.

Năm 1705: Peter Đại đế áp đặt chính sách nhà nước độc quyền trong việc buôn muối.

Năm 1917: Nga là một trong những nước sản xuất muối lớn nhất thế giới, cung cấp tới 2,4 triệu tấn/năm.

Năm 1980: Liên Xô sản xuất 20 triệu tấn muối/năm, chỉ xếp thứ hai thế giới sau Mỹ.

Năm 1991: Mức sản xuất giảm xuống 8 triệu tấn sau khi Liên Xô tan rã.

Theo Vnexpress/Times

MỚI - NÓNG