Obama và 30 ngày đầu của 'cuộc chơi mới'

Obama và 30 ngày đầu của 'cuộc chơi mới'
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - một trong những sự kiện sôi động nhất trong năm nay của đời sống chính trị thế giới - đã khép lại. Khẩu hiệu ''Nước Mỹ cần thay đổi'' đã mang lại chiến thắng vang dội cho ứng cử viên Barack Obama của đảng Dân chủ.
Obama và 30 ngày đầu của 'cuộc chơi mới' ảnh 1

Tổng thống mới đắc cử Barack Obama. Ảnh: Reuters.

Sau những thời khắc huy hoàng, sau những men say của vinh quang, Obama đã bắt đầu ''một cuộc chơi mới'' với bộn bề khó khăn và thách thức. Và một tháng sau khi lựa chọn được người chèo lái con thuyền đất nước, các cử tri Mỹ đang dần kiểm chứng sự lựa chọn của mình.

Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn ''hậu bầu cử'' - giai đoạn chuyển giao quyền lực - đối với một tổng thống mới là lựa chọn ê-kíp làm việc mới để có thể đảm bảo một bộ máy vận hành tốt trong 4 năm tới. Chọn ai? Giữ ai? Bỏ ai? là những câu hỏi hóc búa không chỉ riêng đối với ông Obama và những người sát cánh cùng ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng đầy khốc liệt vừa qua, mà mọi động thái, mọi quyết định của ông ở thời điểm nhạy cảm này đều được các cử tri - những người quan tòa nghiêm khắc và công minh - đặc biệt quan tâm.

Xét về tổng thể, trong một tháng vừa qua, Tổng thống đắc cử Obama đã bước những bước vững chắc trên con đường đầy chông gai và chứng tỏ mình là "sự lựa chọn hoàn hảo" của người dân Mỹ. Ê-kíp của ông dần định hình với những gương mặt xuất chúng của chính trường Mỹ, và nhận được sự tán đồng của dư luận.

Đó là một Hillary Clinton duyên dáng, tự tin và đầy quyết đoán trên cương vị Ngoại trưởng. Đó là một Robert Gates cứng rắn, song không kém phần linh hoạt, mềm dẻo trong các chính sách quốc phòng của Mỹ. Trong lịch sử chính trường nước Mỹ, ông Gates đã trở thành bộ trưởng đầu tiên của chính quyền cũ tiếp tục tại nhiệm trong chính quyền mới.

Và đó còn là một Bộ trưởng Thương mại Bill Richardson - thống đốc bang duy nhất của Mỹ là người gốc Tây Ban Nha - với nhiều năm kinh nghiệm dưới thời Tổng thống thứ 41 Bill Clinton. Hay Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) tại thành phố New York, ông Timothy Geithner, 47 tuổi, trên cương vị Bộ trưởng Tài chính. Đó là chưa kể tới những cái tên nổi đình nổi đám đang dần được bổ sung cho danh sách cố vấn an ninh và kinh tế quốc gia.

Lướt qua ê-kíp này có thể dễ dàng nhận thấy một sự hài hòa giữa cũ và mới, giữa những nhân vật ''diều hâu'' và ôn hòa, giữa những người Cộng hòa và người Dân chủ. Nhưng cùng có một điểm chung - đó tài năng, giàu kinh nghiệm và cùng chung mục tiêu: vực dậy nước Mỹ.

Ê-kíp này đã phản ánh những cam kết của Obama khi tranh cử, đó là sẽ mời những người tài ba, kinh nghiệm và hiểu biết nhất tham gia chính quyền, bất kể người đó là ai, thuộc đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.

Không khó khăn gì để lý giải những sự lựa chọn này.

Kinh tế suy yếu, sa lầy trong hai cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, làn sóng chống Mỹ ở châu Âu và Trung Đông, một I-ran đầy thách thức trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên dần rơi vào ngõ cụt, sự nổi lên của một loạt quốc gia như Trung Quốc và Nga... là những yếu tố khiến vị thế của Washington trên trường quốc tế suy giảm mạnh và nước Mỹ đang mất dần vai trò độc tôn trong các vấn đề toàn cầu.

Rõ ràng, đặt trong bức tranh toàn cảnh u ám của nước Mỹ hiện nay, Obama đã có một bước đi đúng đắn khi đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu. Kinh nghiệm của những nhân vật được ông lựa chọn sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho những gì lâu này vẫn bị đánh giá "non nớt" trên chính trường của ông.

Sự bắt tay này thể hiện chính sách thực dụng của bộ máy chính quyền Mỹ. Gạt bỏ sang một bên những định kiến cá nhân, tất cả đều hướng tới đích chung là đánh bóng hình ảnh và khôi phục lại vị thế của nước Mỹ.

Đồng thời, Tổng thống đắc cử Obama đã khẳng định khẩu hiệu "thay đổi" của mình, đó là một chính sách đối ngoại có thể mở rộng thêm các đồng minh và đối tác với tuyên bố: "Vận mệnh của chúng ta gắn liền với vận mệnh của thế giới. Để thành công, chúng ta phải theo đuổi một chiến lược mới sử dụng, cân bằng và kết hợp một cách khéo léo tất cả những yếu tố của sức mạnh Mỹ - quân sự và ngoại giao, tình báo và thực thi luật pháp v.v..."

Rõ ràng sự lựa chọn trên cho thấy trọng tâm của chính quyền Obama là đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, cuộc chiến chống đói nghèo, hiện tượng khí hậu trái đất ấm dần và các dịch bệnh truyền nhiễm, đồng thời cải thiện hình ảnh của nước Mỹ ở bên ngoài. Những nỗ lực đánh bóng hình ảnh của chính quyền Obama sẽ giúp thúc đẩy hơn chính sách ngoại giao truyền thống với các chính phủ nước ngoài.

Vẫn còn quá sớm để nói về thành công của một Obama Tổng thống. Song, với 30 ngày qua, người dân Mỹ có thể phần nào yên tâm về sự lựa chọn của mình. Và có lẽ thế giới cũng không thể mong chờ gì nhiều hơn.

Theo Hồ Phương
TTXVN

MỚI - NÓNG